1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê

(Dân trí) - Sau những trận mưa lớn kéo dài trên địa bàn Thanh Hóa, hàng chục mét đất sát chân đê sông Mã tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu vào trong đê khiến dân lo lắng, hoang mang trước nguy cơ vỡ đê.

Quan sát một vòng quanh chân đê sông Mã thuộc địa phận xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi nhận thấy mái đê sông Mã đã xuất hiện các vết nứt dài, rộng và ăn sâu vào lòng đê gây sạt lở nghiêm trọng. Khi nước sông dâng cao, đập mạnh vào thân đê, mái đê khiến hàng trăm mét khối đất, đá ở mái đê theo nước rơi xuống sông. Chỉ cần một trận mưa lớn dội xuống, thân đê, mái đê, bãi bồi ven đê sẽ sạt lở nghiêm trọng và nguy cơ vỡ đê là khó tránh khỏi.

Bác Bùi Thị Cang, người dân thôn Hạ, xã Vĩnh Yên có nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm ở ven sông Mã đang có nguy cơ bị sạt lở nặng kể:  “Gia đình tôi có gần 1ha đất sản xuất nông nghiệp ven đê sông Mã nhưng đã bị sạt lở khoảng 5 - 6 sào rồi. Cách đây hơn nửa tháng, tại địa bàn xã Vĩnh Yên liên tục có mưa to, ra bờ sông thấy hàng chục mét đất sát chân đê bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, nhiều đoạn đã ăn sâu vào thân đê rất nguy hiểm. Tôi đã báo cáo với chính quyền xã và thường xuyên trông coi đoạn đê bị sạt lở. Cứ thế này rất dể xảy ra tình trạng vỡ đê”.

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê - 1
Những vết nứt lớn xuất hiện mái đê sông Mã sau mưa
 
Hiện tại, ven đê sông Mã của xã Vĩnh Yên đã bị sạt lở khoảng 400m chiều dài, trong đó có 35m nằm sát chân đê bị nứt, sụt lún, có đoạn nứt sâu vào thân đê gây sạt lở nghiêm trọng.

Hiện tượng sạt lở ven đê sông Mã xuất hiện từ năm 2003, chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, nhưng tình trạng sạt lở nhẹ, đa phần thuộc diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên không gây nguy hiểm cho đê. Tuy nhiên, sau cơn bão số 5 với lượng mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, tại K3+318 - K3 +353 tả đê sông Mã xảy ra tình trạng nứt dọc mái đê.

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê - 2
Đất sản xuất nông nghiệp cũng bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Trịnh Văn Long, người thôn Hạ, sông gần đê sông Mã lo lắng: “Nước sông xâm nhập vào bờ bãi rất nhanh, những bãi bồi rộng hàng ha trôi dần theo dòng nước. Có lần chỉ sau trận mưa bão, cả một ruộng ngô sắp cho thu hoạch bỗng dưng biến mất. Nay bãi ngô không còn, nước sông tiến vào thân đê, lòng sông ngày một rộng ra, sâu hoắm, mái đê thì hẹp dần, còn thân đê nhỏ lại. Người dân ở gần đây luôn sống trong thấp thỏm lo âu”.

May mắn, dọc tuyến đê sông Mã, nơi có hiện tượng sạt lở đất thì không có hộ gia đình nào sinh sống nên nhà cửa và tính mạng con người đến hiện tại vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, nếu xuất hiện mưa to kéo dài, tình trạng vỡ đê xảy ra thì hơn 500 hộ dân thuộc thôn Mỹ Sơn va Mỹ Xuyên của xã Vĩnh Yên sẽ gặp nguy hiểm và phải di dời đi nơi khác. Bên cạnh đó là các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Bỉm Sơn và cả Tam Điệp của Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng.

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê - 3
Người dân chuẩn bị đá kè trên đê để đối phó khi tình huống xấu xảy ra
 
Theo lãnh đạo và bà con nơi đây cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, nứt mái đê sông Mã là mưa to kéo dài, nước chảy mạnh nên xuất hiện xói mòn bãi bồi và mái đê. Thêm vào đó, tuyến đê là nơi hợp lưu của dòng sông Bưởi và sông Mã nên lưu lượng nước rất lớn, đoạn đê bị cong nên dòng nước đâm thẳng vào bờ gây sạt lở bãi một cách nghiêm trọng.

Ngay sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở, nứt mái đê, thân đê sông Mã, Chi cục đê điều Thanh Hóa đã cho người túc trực 24/24 giờ tại vị trí có điểm nứt, sạt lở để sớm có biện pháp đối phó khi tình huống xấu xảy ra, đồng thời cảnh báo người dân không đi lại qua đoạn đê bị sạt lở này.

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê - 4
Sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, diện tích đất bị sụt lún, sạt lở ngày càng dài và rộng
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trịnh Văn Giản, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, cho biết: “Trước mắt chúng tôi thường xuyên cho người kiểm tra đoạn đê bị sạt lở, bị nứt và túc trực 24/24 giờ tại đê. Khi có tình huống xấu xảy ra, báo ngay lên chính quyền địa phương để sớm có phương án đối phó. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị bì đất, đá, cọc tre… trên bờ để sẵn sàng chống đê nếu bị vỡ. Về lâu dài, chúng tôi đã gửi báo cáo lên huyện, trình bày tình trạng sạt lở đê nghiêm trọng và mong các ban ngành liên quan sớm có biện pháp xử lý và khắc phục tình trạng trên”.

Không chỉ có xã Vĩnh Yên, ngay cả xã Vĩnh Hòa nhiều năm nay cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ đê sông Mã, khiến nhiều diện tích đất bãi sản xuất hoa màu của người dân 3 thôn Quang Biểu, Nghĩa Kỳ và Giang Đông bị cuốn ra sông, nhiều hộ dân phải di chuyển nơi ở do nước sông khoét sâu gần vào nhà và các công trình phụ.

Ông Phạm Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, hơn 84.000m2 đất ở và hoa màu của dân bị sông cuốn trôi, 11 hộ dân bị mất đất ở và 77 hộ dân khác đang sống trong nguy hiểm. Điểm sạt lở gần nhất cách nhà dân khoảng 8m. Vì vậy, 410 hộ dân trong xã đang lo lắng trước tình trạng sạt lở của bãi sông và tính mạng bị đe dọa”.

Dân hoang mang trước nguy cơ vỡ đê - 5
Mái đê sụt lún từng đoạn dài
 
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ - PCLB Thanh Hóa, cho hay: “Hiện trạng sạt lở tuyến đê sông Mã đã đến mức báo động đỏ, tuy nhiên chúng ta cần bình tĩnh để đưa ra phương án khả thi nhất, vừa ổn định được tâm lý nhân dân, vừa tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước, đồng thời ngăn chặn được sạt lở của bãi sông. Hiện chúng tôi đã báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xử lý bằng kè chống sạt lở. Đại diện các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã về kiểm tra vị trí sạt lở và đang tham mưu cho Chính phủ phương án xử lý”.

Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm