1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân bảo nước nhiễm mặn, lãnh đạo bảo không (!)

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài khiến người dân sinh sống trên đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa) chật vật với nguồn nước sinh hoạt do các giếng gần như chạm đáy. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước từ trong đất liền chở ra.

Dân bảo nước giếng ở đảo nhiễm mặn, lãnh đạo phường bảo không (!)

Theo phản ánh của người dân, trên đảo Trí Nguyên có 4 giếng đào, và đây là nguồn nước ngọt chủ yếu để người dân sinh hoạt, tắm giặt, ăn uống. Nhưng từ tháng 4 đến nay, do không có mưa nên lượng nước giếng rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên đảo.

Ngoài ra, một số người dân phản ánh, do nắng hạn nên nguồn nước giếng bị nhiễm mặn, không thể dùng để nấu cơm. Ông Nguyễn Hương (trú tổ 3, đảo Trí Nguyên), cho biết, gia đình ông có 5 người và thường sử dụng nước giếng cho việc tắm, giặt chứ không thể nấu cơm do bị mặn. “Nước giếng bị mặn nên gia đình tôi không thể dùng để nấu cơm, nếu nấu cơm thì đến chiều cơm sẽ bị thiu”, ông Hương nói sau khi múc một gàu nước giếng nếm trước ống kính.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (trú tổ 2, đảo Trí Nguyên) cho hay, đến tháng 7 hoặc tháng 8, nước giếng trên đảo mới ngọt trở lại khi có mưa. “Mấy tháng nay, nước giếng bị nhiễm mặn nên bà con rất khó khăn. Chúng tôi phải tăng nguồn tiền mua nước từ các ghe trong đất liền chở ra đảo bán. Mỗi tháng gia đình tôi cũng tốn kém hàng trăm ngàn đồng tiền mua nước”, anh Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Hương (đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) cau mày sau khi nếm nước giếng trên đảo trong mùa nắng hạn năm nay
Ông Nguyễn Hương (đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) cau mày sau khi nếm nước giếng trên đảo trong mùa nắng hạn năm nay

Trao đổi với phóng viên Dân trí vào chiều ngày 19/5, một lãnh đạo UBND phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, hiện tỉnh đang giao cho một đơn vị cấp nước lập phương án đưa nước qua đảo Trí Nguyên nhưng hiện đang chờ thẩm định lại đường ống. Theo lãnh đạo này, năm ngoái vào mùa nắng hạn, UBND TP Nha Trang đã hỗ trợ tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo trên đảo. Tuy nhiên, năm nay sẽ hỗ trợ theo từng khẩu thay vì từng hộ.

Mặc dù người dân trên đảo Trí Nguyên cho biết rất chật vật vì chuyện nước sinh hoạt nhưng vị lãnh đạo này cho rằng, người dân không hề thiếu nước và nước cũng không bị nhiễm mặn (!?). “Người ta vẫn sử dụng chứ có nhiễm mặn gì đâu. Việc này chúng tôi theo dõi và có gì thì tháo gỡ ngay cho bà con. Nước thì không thiếu vì các tàu vẫn qua đổ nước cho dân…”, vị lãnh đạo này nói.

Thế nhưng, trao đổi với phóng viên vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Minh Ngọc (tổ trưởng tổ dân phố 1, đảo Trí Nguyên) khẳng định việc người dân phản ánh nước giếng trên đảo bị nhiễm mặn là có thật.

“Mùa này tới đang chờ mưa giông nhưng chưa có mưa giông nên thiếu nước. Hiện có hộ sử dụng nước giếng, có hộ phải mua nước từ bên kia qua. Nước giếng thì không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con, mùa khô nước nó chắt lại nên mặn…”, ông Ngọc khẳng định và cho biết, nước mua từ đất liền chở qua giá 85.000 đồng/khối, nếu hộ nào ở xa thì giá cao hơn.

Được biết, đảo Trí Nguyên có hơn 3.000 dân, đa phần làm nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Người dân ở hòn đảo này cho biết, nhiều năm qua, câu chuyện nước sinh hoạt trên đảo cứ như một “điệp khúc” là “gay gắt” vào những tháng mùa nắng nhưng “đâu lại vào đó” khi mưa xuống!

“Không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt”

Cuối tháng 4/2016, tại buổi làm việc về việc điều tiết nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và trên các dòng sông để cấp đủ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các địa phương cần đặc biệt quan tâm theo dõi diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán và có giải pháp kịp thời, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc bị đói do hạn hán gây ra.

Ông Vinh yêu cầu các địa phương cân đối, xây dựng phương án chi tiết cấp nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp - dịch vụ, sản xuất nông nghiệp; đồng thời sử dụng kinh phí dự phòng của cấp huyện để thực hiện việc khoan, đào giếng, chở nước từ nơi khác đến để cung cấp cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng hoặc không có nước; các địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân, du khách sử dụng nước tiết kiệm.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến cuối tháng 4/2016, có hơn 3.300 hộ/hơn 14.000 khẩu đang thiếu nước, người dân tự mua nước để phục vụ sinh hoạt. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục nắng hạn sẽ có hơn 22.800 hộ/hơn 98.500 khẩu trên địa bàn tỉnh này bị thiếu nước sinh hoạt.

Viết Hảo