Đàm phán dựa vào khung giá điện, không phải bên này bắt chẹt bên kia

Hoa Lê Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ quy định khung giá điện và các bên cùng dựa vào đây để đàm phán.

Giải trình trước một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, khung giá điện được quy định theo Luật Giá và Luật Điện lực. 

Trong đó, Chính phủ quy định cụ thể về khung giá. Các bên đàm phán cùng nhau dựa vào khung giá này, "chứ không phải bên này bắt chẹt bên kia".

Trao đổi về lý do yêu cầu đàm phán trong thời hạn 12 tháng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, trong khung thời gian này, mọi đàm phán phải xong. Bởi nếu không xong, các đơn vị kiếm cớ để kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Về bổ sung những chính sách mới để phát triển những nguồn năng lượng mới, ông Diên nêu thực tế đến năm 2030, nước ta cần phải gấp 2 lần so với công suất hiện nay. Tiếp đó, đến năm 2050, công suất điện cần thiết gấp 5 lần hiện nay.

Khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển, Bộ trưởng khẳng định, dứt khoát phải có điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai.

Đàm phán dựa vào khung giá điện, không phải bên này bắt chẹt bên kia - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: QH).

Về những điều bổ sung liên quan đến năng lượng mới, người đứng đầu ngành công thương chỉ rõ việc dự Luật quy định thêm về phát triển thị trường điện cạnh tranh và thẩm quyền của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với những dự án điện cấp bách, chủ trương thu hồi các dự án điện chậm tiến độ...

Ông Diên cho hay, khác với các dự án công nghiệp, dự án điện phải đi trước một bước. Bên cạnh đó, điện sản xuất ra phải có địa chỉ tiêu dùng.

Vị trưởng ngành nêu trên thực tế có những dự án đã giao cho nhà đầu tư 10 năm, thậm chí 20 năm nay nhưng chưa triển khai.

"Như vậy, chúng ta đang thiếu điện là do các dự án trước đó không có cơ chế nào thu hút. Các dự án điện đặc thù, đã quy hoạch rồi thì phải làm, đã giao thì phải làm, đã không làm được thì phải bị thu hồi. Không lẽ cả đất nước này ngồi chờ một vài nhà đầu tư hay sao?", ông Diên đưa ra quan điểm và cho rằng phải quy định rõ về vấn đề này. 

Nhiệm vụ đặt ra cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện, đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.

Hiện nay, nước ta đã có cơ chế cho thu hút đầu tư vào hệ thống lưới điện. Bên cạnh đó, dự Luật sửa đổi cơ bản mở cánh cửa ra cho các nhà đầu tư đầu tư về hệ thống truyền tải.

Theo Bộ trưởng, đương nhiên, hệ thống cao áp và siêu cao áp phải là nhà nước. Bây giờ, dự Luật đang cân nhắc quy định tư nhân được đầu tư hệ thống truyền tải 220kV trở xuống hay 110kV trở xuống.

"Nếu các đại biểu bấm nút thông qua điện áp 220kV trở xuống là tư nhân có thể đầu tư, để có thể huy động được các nguồn năng lượng tái tạo ở rải rác, phân tán khắp nơi trong cả nước thì chúng tôi cũng chấp hành", ông Diên cho hay.