1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đắk Nông thông tin về việc "xin" 900 tỷ đồng xây quảng trường

(Dân trí) - UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thông tin UBND tỉnh “xin” Chính phủ 900 tỷ đồng để xây dựng quảng trường là chưa thật sự chính xác, chưa đúng bản chất vấn đề, tạo ra dư luận trái chiều và không tốt cho địa phương. UBND tỉnh Đắk Nông chưa có văn bản nào kiến nghị Chính phủ về vấn đề này.

Ngày 16/11, UBND tỉnh Đắk Nông đã có thông tin tới báo chí về việc một số tờ báo điện tử, các website, mạng xã hội có đưa thông tin UBND tỉnh Đắk Nông “xin” 900 tỷ đồng để xây dựng quảng trường. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định thông tin trên là chưa thực sự đúng bản chất vấn đề.

Theo ông Lộc, UBND tỉnh đang bàn bạc, xây dựng và hoàn thiện dự án Đường kè kết hợp Quảng trường; quy mô dự án khoảng 19,5 ha, phạm vi thuộc tả ngạn suối Đắk Nông, đoạn từ cầu Đắk Nông kết nối đến khu nhà công vụ và ven theo đường Nguyễn Văn Trỗi. Tổng thể dự án gồm 3 hợp phần với tổng mức đầu tư là khoảng 900 tỷ đồng và xây dựng Quảng trường chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể dự án trên.

UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định chưa có văn bản nào kiến nghị Chính phủ về xây dựng quảng trường 900 tỷ
UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định chưa có văn bản nào kiến nghị Chính phủ về xây dựng quảng trường 900 tỷ

Cơ sở để UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng dự án này là Quyết định số 1942/QĐ – TTg ngày 22/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH tỉnh Đắk Nông đến năm 2020; Quyết định 209/QĐ-BXD ngày 12/2/2015 của Bộ Xây dựng về việc công nhận Gia Nghĩa là đô thị loại III; Quyết định 1292/QĐ-UB ngày 14/8/2013 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của dự án nhằm kết nối, thúc đẩy cho hơn 1.000 ha phía Đông Hồ Trung tâm phát triển, thu hút đầu tư trở thành khu dân cư; xây dựng đô thị Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội các địa phương của tỉnh; tăng cường điểm liên kết vùng giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, dự án còn bố trí cho hơn 200 hộ dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất; tạo lập nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chính trị, văn hóa thông qua các hoạt động, tổ chức sự kiện của tỉnh và thị xã Gia Nghĩa. Ngoài ra, dự án cũng góp phần bảo vệ môi trường sống, nguồn nước chính của trung tâm đô thị Gia Nghĩa cho sự phát triển bền vững.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc xây dựng đề án không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại địa phương, ông Lộc cho hay: “Tỉnh còn rất nhiều khó khăn về hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Nhưng để đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững thì song song với việc phải quan tâm, chăm lo cho những vùng khó khăn, tỉnh cũng sẽ phải đồng thời tạo ra động lực mới”.

Ông Lộc cho biết thêm, đối với nguồn vốn thực hiện, do dự án còn nằm trong giai đoạn khái toán nên con số chưa thực sự chuẩn xác. Trước khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn còn phải trải qua nhiều bước lập dự án khả thi, thẩm tra của các bộ, ngành liên quan thì mới có con số chính xác.

Dương Phong