1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đại tướng Tô Lâm: Sắp xét xử vụ án đóng tàu vỏ thép rởm cho ngư dân

(Dân trí) - Chiều ngày 6/11, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã có kết luận và sắp đưa ra xét xử vụ án đóng tàu vỏ thép rởm cho ngư dân.

Phiên chất vấn ngày 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời tại sao các hành vi phạm tội trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý?

Trả lời câu hỏi trên, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án vào ngày 16/8/2018.

"Qua quá trình điều tra, đến ngày 9/1/2019, đã có kết luận Số 03 của Cơ quan An ninh điều tra kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố. Hiện nay vụ án sắp được đưa ra xét xử", Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói.

Đại tướng Tô Lâm: Sắp xét xử vụ án đóng tàu vỏ thép rởm cho ngư dân - 1
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nhiều tàu vỏ thép đóng mới cho ngư dân (theo Nghị định 67/2014 về chính sách phát triển thuỷ sản) hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh, phải nằm bờ, ngư dân rơi vào cảnh nợ nần…

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Nghị định 67 được ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi, đảm bảo phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong bối cảnh vùng biển đang có nhiều vấn đề. Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm ra khơi.

“Đến lúc này chúng ta đã phát triển được hơn 1.000 phương tiện, riêng tàu sắt có 358 chiếc, trong đó 55 chiếc tàu đang nằm bờ”, ông Cường nói và cho hay trong số này có nhiều tàu đánh bắt không hiệu quả, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, muốn chuyển đổi…

“Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và Thủ tướng đã có quyết sách thay đổi phương thức đầu tư. Vì hiện nay có tâm lý ỷ lại nên sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa mà ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được” - Bộ trưởng Cường nói và cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tổng kết Nghị định 67, đưa ra quyết sách, khuyến khích ngư dân, còn chính sách không phù hợp sẽ bỏ qua.

Tìm phương án không tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh

Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn tại hội trường nhóm vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp. Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho biết, trong năm 2019 có hàng triệu con lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi mang đi tiêu hủy.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chôn lấp hàng triệu con lợn như vậy có an toàn hay không?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dịch bệnh gia súc, gia cầm không phải là vấn đề mới ở nước ta. Do vậy, Bộ này đã có quy định rất chặt chẽ về việc tổ chức chôn lấp gia súc, gia cầm khi nhiễm bệnh phải bảo đảm các yêu cầu môi trường.

Ông Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trao đổi với Viện Hàn lâm nông nghiệp trong việc xem xét đánh giá về khía cạnh dịch bệnh, liệu có biện pháp nào tốt hơn phương án tiêu hủy hay không.

Đại tướng Tô Lâm: Sắp xét xử vụ án đóng tàu vỏ thép rởm cho ngư dân - 2

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

"Đây là vấn đề cần nghiên cứu đánh giá nên chưa thể nêu ra được. Thế nhưng có thể xem nếu chúng ta đưa ra phương án vi rút trong gia súc chết ở nhiệt độ bao nhiêu thì có thể chế biến thành loại thức ăn cho tôm, cho cá. Trên thực tế hiện nay chúng tôi vẫn chỉ khuyến cáo là tiêu hủy thiêu đốt hoặc chôn lấp", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Tại hội trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, trong phần chất vấn ngành nông nghiệp, ông nhận được 4 cầu hỏi liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường.

Đi vào vấn đề cụ thể liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Hà cho rằng lo ngại của các đại biểu về vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp là chính đáng bởi đây là việc bảo vệ quỹ đất nông nghiệp cho thế hệ sau. Ông Hà trấn an đại biểu, quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất chặt chẽ.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm