Đại tướng Tô Lâm: Người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có
(Dân trí) - “Xu hướng hiện nay cho thấy người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có”, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Sáng ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, tệ nạn ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe của con người, khiến nhiều người và gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội, mầm mống của các loại tội phạm như giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản…
Dẫn số liệu năm 2009, cả nước có 146.731 người nghiện ma túy thì đến tháng 12/2019 đã là 235.314 người nghiện ma túy, tăng 60%, theo ông Chính, đây mới là thống kê có hồ sơ quản lý.
“Thực tiễn, con số về người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy còn cao hơn rất nhiều”, Chánh án TAND TP Hà Nội nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân do luật hiện hành chưa quy định rõ công tác quản lý với người nghiện nên hầu hết những người này không được kiểm tra, giám sát và xử lý khi sử dụng ma túy. Họ vẫn tồn tại bên ngoài xã hội.
Trong khi đó, hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy rất lớn, nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, ngáo đá, không kiểm soát được hành vi của mình, gây ra các vụ thảm án vô cùng đau xót, thậm chí với chính người thân của mình, gây hoang mang, bất bình trong dư luận.
Ông Chính dẫn chứng một loạt vụ án như vụ Châu Việt Cường giết người yêu, xuất phát từ ảo giác sau khi sử dụng ma túy. Đối tượng cho rằng người yêu bị ma nhập nên đã nhét 30 nhánh tỏi to vào miệng người yêu khiến nạn nhân tử vong vì ngạt cơ học, do bít tắc hoàn toàn đường hô hấp.
“Gần đây nhất là vụ án giết người, cướp tài sản tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngày 29/10/2020, do nghiện ma túy nên con nghiện là Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Văn Quân đã giết nữ sinh năm thứ nhất của Học viện Ngân hàng bên bờ sông Nhuệ bằng hành vi dìm và đẩy cháu ra dòng sông, mục đích để cướp điện thoại và xe đạp bán lấy tiền mua ma túy sử dụng”, Chánh án toà Hà Nội thông tin.
Từ những thực tế đó, theo ông Chính, tăng cường các biện pháp phòng, chống ma túy, trong đó có tăng cường quản lý đối với người có hành vi sử dụng trái phép ma túy “là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách”.
Trước ý kiến cho rằng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, đại biểu đoàn Hà Nội nêu quan điểm, “khi gia đình có một thành viên sử dụng ma túy trái phép là một gánh nặng. Khu dân cư có một công dân sử dụng trái phép chất ma túy là một tiềm ẩn và hậu họa”.
Ông Chính cũng đồng tình tăng thêm thẩm quyền của công an xã như như lập hồ sơ quản lý, theo dõi, thống kê người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý. Theo ông, công an xã là lực lượng gần với nhân dân, vì vậy khả năng tiếp cận, bám sát địa bàn để quản lý giáo dục, tuyên truyền và phòng, ngừa ma túy sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm đấu tranh không chỉ là bắt giữ mà phải làm sao ngăn chặn, giảm được tội phạm, giảm nguồn cung ma túy, tức tính đến yếu tố phòng ngừa là quan trọng. Tiếp đó giảm nguồn cầu, trong đó có những vấn đề về người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy.
“Người sử dụng trái phép chất ma túy chưa xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật”, Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Công an cũng ghi nhận những băn khoăn xung quanh việc chúng ta quan niệm như thế nào, thái độ của xã hội đối với người sử dụng ma túy trái phép cũng như người nghiện ma túy rất phong phú. Theo Bộ trưởng, xu hướng hiện nay cho thấy người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có.
“Mình đối xử, xử lý thế nào? Đây là những người rất đáng thương, cần phải có những biện pháp xã hội. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, đây phần lớn là những người có thân nhân xấu, phần lớn có tiền án, tiền sự. Đại biểu nói là trong nhà có vài ba người nghiện thì rất gay go. Thái độ của chúng ta thế nào đối với họ, tôi cho rằng phải thể hiện điều đó rất rõ ràng trong luật này”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu quan điểm.