1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: "Phụ nữ có những tố chất rất cần trong nghề ngoại giao"

(Dân trí) - "Phái yếu cũng có thế mạnh riêng. Phụ nữ có những tố chất rất cần trong nghề ngoại giao: Đó là sự nhạy bén, tinh tế, cẩn trọng, mềm dẻo nhưng rất quyết liệt khi cần thiết và nhất là sự tận tuỵ, hy sinh", Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc chia sẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã chia sẻ với Dân trí về chuyện nghề, về việc "giữ lửa" cho tổ ấm gia đình giữa những bộn bề công việc của một nữ chính khách.

Bà Nguyễn Phương Nga tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Bà Nguyễn Phương Nga tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon

Xin bà cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc (LHQ)?

Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chúng ta đang phát huy tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn của LHQ trên các lĩnh vực hòa bình, an ninh phát triển và quyền con người, phấn đấu theo mục tiêu chung là xây dựng một tương lai chúng ta mong muốn và không để một ai tụt lại phía sau. Chúng ta cũng tích cực bảo vệ và đề cao các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; góp phần vào các nỗ lực chung nhằm đảm bảo hoà bình, an ninh thế giới; tích cực triển khai tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.

Việt Nam là một trong những nước đi đầu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do LHQ đề xướng, được coi là một trong những nước thí điểm thành công mô hình "Thống nhất hành động" (Delivering As One). Trọng tâm hoạt động của Phái đoàn là nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất với các cơ quan của LHQ, huy động và khai thác hiệu quả hỗ trợ của LHQ đối với công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cải tiến phương thức hoạt động của LHQ để đáp ứng được yêu cầu của các nước thành viên và tình hình mới. Trên tinh thần đó, Phái đoàn đã phối hợp tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tháng 5/2015.

Năm nay kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ. Chúng ta tích cực tham gia vào các tiến trình đàm phán để thực hiện 3 trọng tâm ưu tiên của LHQ, đó là: Xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được các nhà lãnh đạo thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh vể phát triển bền vững tháng 9/2015; Đàm phán, xây dựng và thông qua chương trình hành động Adis Ababa,  thiết lập được khuôn khổ tài chính toàn cầu mới cho phát triển; Phấn đấu để đạt một thoả thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris vào tháng 12/2015.

Hiện nay chúng ta đang tích cực vận động để Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng kinh tế xã hội (ECOSOC) của LHQ nhiệm kỳ 2016-2018 (bầu cử sẽ tiến hành vào tháng 10 tới đây), đồng thời xúc tiến vận động để Việt Nam ứng cử thành công làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Phái đoàn cũng tích cực phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước. Trên địa bàn New York và các vùng phụ cận có gần 50.000 bà con người Việt sinh sống, học tập và làm việc, với khá đông trí thức, sinh viên, học sinh. Làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, hỗ trợ, gắn kết cộng đồng với quê hương đất nước là ưu tiên hàng đầu được Phái đoàn hết sức coi trọng.

Đã từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong ngành Ngoại giao, xin bà có thể chia sẻ một kỷ niệm, một câu chuyện đáng nhớ trong quá trình công tác của mình?

25 năm phục vụ trong ngành ngoại giao để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là dịp Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao, được vinh dự giao nhiệm vụ tổ chức cuộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ vào tháng 4/2004. Lúc đó chúng tôi đã báo cáo kiến nghị Đại tướng dành khoảng 45 phút gặp báo chí quốc tế và được Đại tướng đồng ý.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế. Rất đông phóng viên đã đến dự và đưa ra rất nhiều câu hỏi. Trái với lo lắng của chúng tôi vì "cháy kịch bản", Đại tướng đã rất vui vẻ trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên, chia sẻ với phóng viên về những phân tích, đánh giá của mình về sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta, đặc biệt là những giờ phút khó khăn nhất khi quyết định đưa pháo ra, thay đổi kế hoạch tác chiến.

Cuối cuộc họp báo, khi phóng viên nước ngoài nêu câu hỏi bằng tiếng Pháp, Đại tướng đã trả lời ngay bằng tiếng Pháp, gây bất ngờ thú vị cho tất cả phóng viên tham dự cuộc họp. Tất cả chúng tôi đều bị cuốn hút vào cuộc trao đổi sôi nổi, xúc động giữa Đại tướng và phóng viên mà không để ý tới cuộc họp báo đã kéo dài tới hơn 2 giờ.

Cách ứng xử linh hoạt, cởi mở, thân tình, gần gũi và những câu trả lời sâu sắc nhưng cũng rất dí dỏm, chinh phục lòng người của Đại tướng là những kinh nghiệm vô cùng quý giá đối với những người thường tiếp xúc, làm việc với báo chí như chúng tôi.

Nói đến ngoại giao, người ta thường nhắc đến sự quyết đoán, mưu lược trong xử lý tình huống. Người Việt Nam xưa lại có câu: "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Bà có cho rằng sự yếu mềm của phụ nữ là cản trở lớn khi làm ngoại giao?

Chúng ta hay nói "Các cụ ngày xưa nói cấm có khi nào sai”. Nhưng có lẽ các cụ nói câu này ở thời "xưa”, cũng có nhiều điểm khác với thời nay. Trong chế độ phong kiến với tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, phụ nữ hầu như không được học hành, không được giao tiếp với xã hội, nên chắc chắn bị thiệt thòi, hạn chế về kiến thức và tầm nhìn so với nam giới. Nhưng ngay cả ở cái thời “xưa” ấy, khi phụ nữ không có nhiều thuận lợi như bây giờ, cũng đã có nhiều người phụ nữ kiệt xuất, sắc sảo, mưu lược và quyết đoán cả trong tư tưởng và hành động, vượt lên trên tầm thời đại như Nguyên phi Ỷ Lan, Thái Hậu Dương Vân Nga, nữ sỹ Hồ Xuân Hương …

Phái yếu cũng có thế mạnh riêng. Phụ nữ có những tố chất rất cần trong nghề ngoại giao: Đó là sự nhạy bén, tinh tế, cẩn trọng, mềm dẻo nhưng rất quyết liệt khi cần thiết và nhất là sự tận tuỵ, hy sinh.

 

Đại sứ Nguyễn Phương Nga (thứ 3 từ trái sang)
Đại sứ Nguyễn Phương Nga (thứ 3 từ trái sang)

Giữa bộn bề công việc nhưng vẫn phải làm tròn bổn phận “giữ lửa” cho tổ ấm. Bà đã vượt qua những khó khăn như thế nào để cân bằng giữa việc nước, việc nhà?

Công việc đòi hỏi tôi thường phải xa nhà. Tôi công tác nhiều năm ở Vụ Thông tin Báo chí nên ngay cả khi không phải đi công tác thì cũng như các anh chị em khác ở Vụ, tôi thường kết thúc ngày làm việc và về nhà rất muộn, rất khó khăn trong việc thu xếp thời gian vun vén, chăm sóc cho tổ ấm của mình.

Tôi không thể nói hết được sự biết ơn của mình đối với tình cảm yêu thương mà bố mẹ, chồng, các con, anh chị em, hai bên họ hàng nội ngoại, bạn bè thân thiết và các anh chị em đồng nghiệp dành cho tôi và gia đình nhỏ của chúng tôi. Mỗi người, theo cách riêng của mình đều đã giúp đỡ để tôi có được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cho tôi sức mạnh để vượt qua khó khăn và giúp tôi "giữ lửa" cho tổ ấm của mình... Tôi không khi nào quên chị giúp việc đã lội nước cõng con tôi từ trường học về nhà trong ngày Hà Nội bị ngập do mưa lớn khi cả hai vợ chồng tôi đều ở xa.

Các anh chị em ở cơ quan đại diện, từ chị cấp dưỡng, anh lái xe đến lãnh đạo cơ quan đã quan tâm chăm sóc con tôi khi cháu ốm, khi tôi vắng nhà. Họ hàng, bạn bè đồng nghiệp và cả những người giúp việc đã hết lòng chăm lo cho bố mẹ tôi để tôi yên tâm công tác ở nước ngoài. Tôi cũng rất may mắn có được người bạn đời luôn tin yêu, thông cảm và chia sẻ với mình.

Về phía mình tôi luôn ý thức về bổn phận của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, luôn ghi nhớ câu "Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn" và cố gắng làm hết sức mình để bù đắp cho chồng con vốn bị thiệt thòi vì có một người mẹ luôn bận rộn.

Nhiều nước trên thế giới có nguyên thủ quốc gia là nữ, bà nghĩ sao về khả năng này ở Việt Nam trong tương lai?

Chúng ta cũng có Hai Bà Trưng. Với lịch sử hào hùng như vậy, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai.

Bà có đôi lời nhắn nhủ gì tới thế hệ cán bộ trẻ ngoại giao, nhất là cán bộ nữ, trước những thách thức đối với các nhà ngoại giao trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay?

Tình hình thế giới hiện nay biến chuyển rất nhanh chóng, sâu sắc và khó lường. Tập hợp lực lượng rất phức tạp, cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng ngày càng gay gắt. Đó là thách thức rất lớn đối với công tác ngoại giao.

Trong quá khứ, bối cảnh quốc tế cũng vô cùng phức tạp, có nhiều lúc vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã khéo léo tài tình chèo lái, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn để có ngày nay. Chúng ta có nhiều thuận lợi hơn cha ông trước kia, được thừa hưởng những di sản vô giá mà cha ông để lại, trong đó có tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Là những người nắm giữ tương lai, tôi mong các bạn, nam cũng như nữ, sẽ không ngừng học tập, nhất là tự học, học đạo đức và phong cách ngoại giao của Bác Hồ. Học không chỉ trong sách vở mà trong chính công việc hàng ngày, học ở đồng nghiệp, những người xung quanh. Điều này sẽ giúp các bạn trau dồi kiến thức và nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng để trở thành những nhà ngoại giao giỏi, bản lĩnh vững vàng góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ vững chắc hoà bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên thế giới.

Nam Hằng (thực hiện)