Đại gia xăng dầu Hải Linh khẳng định "không còn nợ" 2.551 tỷ đồng
(Dân trí) - Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh, vừa khẳng định "không còn nợ" Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) 2.551 tỷ đồng.
Ngày 15/1, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trụ sở tại xã Sông Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ) ký văn bản thông tin với báo chí về việc Thanh tra Chính phủ kết luận doanh nghiệp này sử dụng sai mục đích trên 2.551 tỷ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ) Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản quỹ bình ổn giá nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ). Thanh tra yêu cầu phải đưa số tiền này về Quỹ BOG (không phải ngân sách nhà nước).
Sau khi báo chí phản ánh, Công ty TNHH Hải Linh đã tiến hành rà soát lại số tiền 2.551 tỷ đồng nêu trên.
"Tại thời điểm tháng 9/2022 đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ BOG", đại diện Công ty TNHH Hải Linh khẳng định.
Trong thông cáo báo chí đăng tải trên website, Công ty TNHH Hải Linh nhấn mạnh, số tiền 2.551 tỷ đồng Quỹ BOG đã được trích lập và được trích xả theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương.
Liên quan đến sự việc, ông Lê Văn Tám đã có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG tính đến tháng 12/2023. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, ghi nhận số dư Quỹ BOG của Công ty Hải Linh (có xác nhận của ngân hàng) còn trên 46 tỷ đồng.
Công ty Hải Linh khẳng định với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thông tin nêu trên chính xác, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Như Dân trí đã thông tin, từ lâu, Công ty Hải Linh được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng...
Năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh xếp hạng 68 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xếp hạng 33 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực xăng dầu, Công ty Hải Linh được cho là chỉ xếp sau Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, và đứng trên các doanh nghiệp xăng dầu nổi tiếng như Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở tại Nghệ An, vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm và chuyển hồ sơ cho Bộ Công an), Công ty CP hóa dầu quân đội (MIPEC), Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex,...
Thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 4/2023 cho thấy, Công ty TNHH Hải Linh đã thực hiện tách doanh nghiệp, theo đó vốn điều lệ mới của công ty từ 4.550 tỷ đồng còn 1.350 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: Ông Lê Văn Tám chiếm 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải chiếm 14,1% vốn góp.
Ngoài Công ty TNHH Hải Linh, trong hệ sinh thái của ông Lê Văn Tám còn có một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty CP kho Cảng Cái Mép, Công ty CP Kho cảng LNG Cái Mép, Công ty CP Hải Linh LNG...
"Siêu lâu đài" nghìn tỷ đồng ở TP Việt Trì
Nhiều năm nay, báo chí phản ánh về lâu đài của đại gia xăng dầu Lê Văn Tám nằm ngay mặt đường Nguyễn Tất Thành, hướng ra Hồ công viên Văn Lang, TP Việt Trì.
Được khởi công từ năm 2019 nhưng đến nay "siêu lâu đài" với tổng diện tích sàn gần 18.000m2, chiều cao 70m vẫn chưa hoàn thiện.
Theo báo chí phản ánh, "siêu lâu đài" Hải Linh có tổng mức đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng.