Đại diện 26 tỉnh thành đến Huế “mục sở thị” dịch vụ đô thị thông minh
(Dân trí) - Ngày 12/10, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng đô thị thông minh.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông còn có Lãnh đạo UBND một số tỉnh và lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông 26 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện trên toàn quốc có hơn 20 tỉnh, thành triển khai mô hình đô thị thông minh với quy mô, cách làm khác nhau. Lãnh đạo Trung ương, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao mô hình đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho đây là mô hình phù hợp cho việc triển khai xây dựng trên toàn quốc theo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Đồng thời đây cũng là dịp để các tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế để triển khai hiệu quả mô hình đô thị thông minh tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, quan điểm và định hướng của Thừa Thiên Huế là xây dựng Chính phủ điện tử phải song hành với đô thị thông minh để mối quan hệ giữa chính quyền với người dân gần hơn ở cả hai chiều.
Việc triển khai xây dựng, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định theo 3 giai đoạn: thứ nhất là "Vận động, động viên", đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ; giai đoạn thứ hai là "Chế tài", bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức phải ứng dụng công nghệ thông tin; giai đoạn thứ ba (đây chính là xây dựng chính phủ điện tử) là ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, coi công nghệ thông tin là nhu cầu và thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
26 tỉnh thành tham quan Trung tâm giám sát đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, để thành công bước đầu như hôm nay, trước tiên phải là sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương; quan điểm thực hiện của tỉnh Thừa Thiên Huế là từ "Điểm" đến "Diện", từ "dễ" đến "khó"; vừa làm vừa từng bước hoàn thiện về thể chế, quy trình tin học hóa các thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ sở (gồm hệ thống phần cứng và phần mềm) cũng như và tạo lòng tin người sử dụng hệ thống.
Với cách làm như vậy, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang bước vào giai đoạn 3 với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong toàn hệ thống; đồng thời từng bước hoàn chỉnh hệ thống điều hành, hệ thống camera giám sát và các app phản ánh hiện trường để tăng sự tương tác cũng như tần suất tham gia từ người dân.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày cách làm đô thị thông minh tại tỉnh nhà
Tại buổi làm việc, trên cơ sở hiệu quả bước đầu của việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã trao đổi những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách về xây dựng đô thị thông minh. Nhất là mối quan hệ giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và quy chế giám sát cũng như chỉ đạo giải quyết hoặc xử lý các vấn đề được phán ánh tại Trung tâm giám sát đô thị thông minh...
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đánh giá cao sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trên cơ sở kết quả bước đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp, nghiên cứu để có định hướng cụ thể về xây dựng mô hình đô thị thông minh đồng bộ để triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Bên trong Trung tâm giám sát đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh đầu tiên tại Việt Nam
Đồng thời, Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các khung chuẩn trong ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng đô thị thông minh để các địa phương triển khai áp dụng; nhất là đối với các giải pháp công nghệ thông tin và các ứng dụng đảm bảo đồng bộ, thông suốt và an toàn để áp dụng vào xây dựng chính phủ điện tử và dịch vụ đô thị thông minh.
Đại Dương