1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc giám sát sáp nhập huyện, xã

Thế Kha

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội phản ánh có những đơn vị không đạt tiêu chí nhưng "xin" không hợp nhất, sáp nhập; có nơi người dân chưa ủng hộ vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn.

Sáng 21/7, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Quốc hội cân nhắc thay chuyên đề về thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc giám sát sáp nhập huyện, xã - 1

Đại biểu Lê Thanh Vân (Ảnh: Quốc hội).

"Sắp xếp địa giới hành chính có nhiều vấn đề bất cập cần phải tổng kết, đánh giá thì giám sát tối cao chúng ta mới có cơ sở để sửa đổi, bổ sung"- ông Vân lý giải và đề nghị giao cho Ủy ban Pháp luật giám sát kỹ rồi báo cáo Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội giám sát vào một dịp thích hợp.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị phải có sự giám sát để tổ chức rút kinh nghiệm, làm cho tốt. Theo ông, trong thời gian qua đã hợp nhất, sáp nhập chính cấp huyện, cấp xã nhưng cũng vẫn còn bất cập. Có những đơn vị không đạt hai tiêu chí, nhưng cũng đề nghị Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lý do này, lý do khác để không hợp nhất, sáp nhập.

"Có những đơn vị không nằm trong 2 tiêu chí hoặc một tiêu chí sáp nhập cũng xung phong sáp nhập. Tôi nghĩ rằng giai đoạn sắp tới đây hợp nhất, sáp nhập của cấp huyện và cấp xã là rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của công chức, viên chức và người dân. Cho nên, cần phải có sự giám sát để có đề xuất, kiến nghị để chúng ta tiếp bước thực hiện Nghị quyết 1211 cho tốt"- ông Hòa nêu quan điểm.

Còn đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) khẳng định ở địa phương này có đơn vị chưa thành công trong sắp xếp.

"Về thống kê dân số, cơ quan thống kê thì đưa ra một con số nhưng nhân dân địa phương cho rằng số dân phải nhiều hơn con số của cơ quan thống kê. Từ đó, người dân chưa ủng hộ việc sắp xếp vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định"- ông Dũng dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc giám sát sáp nhập huyện, xã - 2

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Ảnh: Quốc hội).

Mặc dù cả hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sắp xếp không đạt 50% cho nên không sắp xếp được. Vấn đề liên quan đến tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, vị trí đặt trụ sở ủy ban xã, xử lý đất đai trụ sở dôi dư cũng phải tính toán, cũng gặp không ít khó khăn…

"Vì những khó khăn, vướng mắc đó, tôi thấy cần thiết lựa chọn chuyên đề này. Trân trọng đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022, với mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đó cho địa phương"- vị đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị.

Như Dân trí phản ánh trước đó, 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt là sau hơn 2 năm (2019-2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương. 

Theo Bộ Nội vụ, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn); đồng thời, đã triển khai được mô hình "thành phố trong thành phố" (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM).