1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói cây cao su thải khí CO2, chuyên gia lên tiếng

Từ ý kiến về việc cây cao su hút khí O2 và thải CO2 ra môi trường tại nghị trường Quốc hội, các chuyên gia trong ngành đã có những phân tích chi tiết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói cây cao su thải khí CO2, chuyên gia lên tiếng - 1

Rừng cây cao su tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Mới đây, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội Quốc hội, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho rằng: “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2, không có một con gì sống được ở trong rừng đó”.

Phát biểu này sau đó đã gây những tranh luận, ý kiến khác nhau về việc ảnh hưởng của cây cao su đến môi trường và con người.

Trao đổi với PV VietNamNet, một cán bộ chuyên môn của Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) cho biết, hiện nay đơn vị đang có nhiều rừng trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo cán bộ này, cây cao su cũng có quy trình quang hợp giống các loại cây trồng khác. Khi có ánh sáng cây sẽ hấp thụ khí cacbonic (CO2) và thải ra khí Oxy (O2) và ngược lại khi không có ánh sáng mặt trời.

Trong rừng cao su vẫn duy trì thảm thực vật dày từ 10 đến 15cm để tạo dinh dưỡng, duy trì sự phát triển của cây trồng.

Về ý kiến cho rằng không con gì có thể sống được trong rừng cao su, vị này cho biết nhận định trên chưa thực sự khách quan. Bởi lẽ, thực tế cho thấy trong rừng cao su vẫn có các loại cây trồng và sinh vật khác sinh sống, chỉ là mật độ ở mức thấp hơn so với rừng tự nhiên. Nguyên nhân là do rừng trồng nên nguồn thức ăn, chất dinh dưỡng không được phong phú và đa dạng như rừng tự nhiên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói cây cao su thải khí CO2, chuyên gia lên tiếng - 2

Nhiều nông trường ở Bình Dương vẫn đang phát triển rừng cây cao su.

 

Ghi nhận thực tế của PV VietNamNet tại các khu vực trồng nhiều cây cao su ở tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bình Dương, đa số người dân cho rằng họ vẫn sinh hoạt bình thường trong khu vực trồng rừng cao su, thậm chí còn xây nhà, dựng lán trại ở dưới tán cây nhiều năm nay mà không gặp bất cứ sự cố nào về sức khỏe.

Bà Triệu Mỹ Tuyết (39 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho biết, nhà bà được xây ngay dưới khu vực vườn cây cao su gần 10 năm nay. Gia đình bà có cả người lớn tuổi và trẻ em nhưng vẫn sống bình thường từ xưa tới nay, chưa lúc nào cảm thấy khó chịu bởi rừng cây cao su xung quanh.

Cùng ý kiến trên, ông Phạm Minh Hòa (59 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho rằng sống dưới rừng cây cao su là hoàn toàn bình thường, không gặp vấn đề về sức khỏe. Ông cho biết việc sống dưới tán cây cao su cũng giống như sống dưới các loại cây khác, chưa ai cảm thấy khó chịu về việc này.

Rừng cao su không thể thay thế rừng tự nhiên

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa, Viện phó Viện nghiên cứu cao su Việt Nam đã phân tích về vấn đề tranh cãi trên.

Theo ông Nghĩa, ban ngày cây cao su quang hợp giống như các cây khác, hút CO2, nhả O2, chuyển sang dạng hút O2 và nhả CO2 vào ban đêm.

Về ý kiến cho rằng cây cao su độc hại, TS Nghĩa cho hay điều này có thành kiến từ xưa. Công nhân đi làm cao su bị bệnh truyền nhiễm, sốt rét nhiều nên thành kiến rừng cao su độc hại cũng sinh ra từ đó.

“Ngày xưa người dân đi làm cao su rất sớm, khoảng từ 4h sáng, khi đó cây vẫn còn hô hấp hút O2 và nhả CO2 nên người công nhân rất khó chịu vì lượng O2 ở rừng cao su khi đó ít đi” – TS Nghĩa nói.

Phân tích về nhận định không có con gì sống dưới rừng cao su được, TS Nghĩa cho rằng, cây cao su có mủ, độc hại đối với nhiều côn trùng và cả loài ăn thực vật. Nhiều loài côn trùng nếu ăn phải lá cao su, hoặc đục thân thì một thời gian sẽ chết nên nói không có con gì sống được là như vậy.

Một nguyên nhân khác là trong rừng cao su không có nhiều thức ăn như côn trùng, trái cây,… nên chim chóc và các loài động vật khác không thể sống được ở rừng cao su.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói cây cao su thải khí CO2, chuyên gia lên tiếng - 3

Người dân xây nhà ở ngay dưới vườn cao su ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

 

TS Nghĩa cho rằng, không thể nói rừng cao su thay thế được rừng tự nhiên. Thứ nhất, cây cao su có vòng đời chỉ vài chục năm, so với rừng tự nhiên thì có tuổi hàng trăm năm. Trong rừng cao su hầu như chỉ có cây cao su sống, trong khi rừng tự nhiên có nhiều tầng thảm thực vật. Rừng tự nhiên cũng mọc đan xen lẫn nhau, không như rừng cao su trồng thì có hàng, thẳng lối.

Hơn nữa, trong rừng cao su có rắn, rết… nên công nhân lao động phải phát quang, dọn dẹp các bụi rậm bên dưới, vừa an toàn lại vừa dễ dàng cho công việc chăm sóc và cạo mủ, đây cũng là nguyên nhân dưới rừng cao su có ít thảm thực vật là vậy.

TS Nghĩa cho biết thêm, cây cao su có nhiều lợi thế kinh tế và một phần nào đó cũng có thể được coi là phát triển rừng. Như ở các khu vực đồi trọc, đất bỏ hoang hay rừng tạp, khi đó trồng cây cao su vừa phủ xanh được đất rừng vừa tạo kinh tế cho người dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm