1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu Quốc hội nói về việc ứng xử với tin xấu, độc nhưng đúng

Q.Huy

(Dân trí) - Tin xấu, độc trên không gian mạng là điều khiến chúng ta bức xúc thời gian qua. Trước tiên, mỗi cử tri không nên lan truyền các thông tin trên mạng nếu chưa biết nội dung đúng hay sai.

Chiều 4/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri quận 10 trước thềm kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa XV. Buổi làm việc có sự tham dự của khoảng 200 cử tri, đại diện cho người dân sinh sống tại 14 phường của quận này.

Đại biểu Quốc hội nói về việc ứng xử với tin xấu, độc nhưng đúng - 1

Buổi tiếp xúc cử tri quận 10 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Dù là buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp đầu tiên sau thời gian dài phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, hội nghị chỉ ghi nhận 2 ý kiến phát biểu, góp ý. Trong đó, một người đặt câu hỏi cho vấn đề riêng mà mình gặp phải, liên quan làm giấy khai sinh cho trẻ.

Ý kiến còn lại thuộc về cử tri đang sinh sống tại phường 11, quận 10. Người này bày tỏ sự bức xúc về vấn đề thông tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và cho rằng, điều này gây ảnh hưởng xấu tới người xem, đặc biệt thế hệ trẻ.

"Tôi đề đạt tới các đại biểu về việc nghiên cứu các luật liên quan đến truyền thông, quyền tự do ngôn luận để có biện pháp giải quyết. Những khi xem tin tức trên điện thoại, các thông tin xuyên tạc khiến tôi rất bức xúc", vị cử tri cao tuổi lên tiếng.

Trả lời cử tri, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - thông tin, Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về vấn đề thông tin xấu, độc, thậm chí nói xấu lãnh đạo trên mạng. 

Đại biểu Quốc hội nói về việc ứng xử với tin xấu, độc nhưng đúng - 2

Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Các Bộ, ngành đã nhiều lần làm việc với đơn vị quản lý nền tảng mạng xã hội như Google, Tiktok, Facebook, Youtube nhằm đấu tranh và đề nghị gỡ các thông tin nói trên. Ngoài ra, Bộ Công an và Bộ TT&TT đã mạnh tay với hiện tượng này, tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, các thông tin xấu, độc vẫn chiếm 3,6% trên không gian mạng, một con số rất lớn.

"Tin xấu, độc trên không gian mạng là điều khiến chúng ta bức xúc thời gian qua. Trước tiên, mỗi cử tri không nên lan truyền các thông tin trên mạng nếu chưa biết nội dung đúng hay sai.", ông Trần Hoàng Ngân khuyến nghị. 

Một vấn đề nữa được vị đại biểu Quốc hội đưa ra là những thông tin "xấu, độc nhưng đúng". Cụ thể, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nêu thực trạng, các thông tin như giết người trong gia đình, clip về cảnh đâm chém, học sinh đánh đập nhau, hình ảnh tang thương được phương tiện truyền thông đăng tải.

"Đó là những thông tin đúng, nhưng cần xem xét có cần thiết đăng tải hay không? Tôi nghĩ là cần giảm bớt vì những thông tin đó có ảnh hưởng nhất định đến người xem. Tôi đang suy nghĩ để có ý kiến về vấn đề này", ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự kiến được khai mạc vào ngày 23/5 và bế mạc vào ngày 17/6. Kỳ họp lần này được tổ chức bằng hình thức tập trung tại Hà Nội.

Báo cáo với cử tri, ông Trần Hoàng Ngân cho biết, kỳ họp lần này có nhiều nội dung liên quan sát sườn đến đời sống người dân TPHCM. Trong đó, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận và xem xét chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TPHCM với chiều dài khoảng 80 km, tổng vốn đầu tư trên 75.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc hội cũng có một ngày để thảo luận, chất vấn về việc thực hiện Luật Quy hoạch, đây là điều được người dân, cử tri nhiều lần bày tỏ bức xúc. Việc chất vấn, thảo luận nhằm tìm ra giải pháp bảo vệ quyền lợi người dân trong những vùng thuộc quy hoạch.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội cũng có 3 ngày chất vấn các bộ trưởng về nhiều vấn đề được người dân, cử tri trên cả nước gửi gắm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm