Đại biểu Quốc hội mong muốn ưu đãi thuế cho báo chí, văn hóa
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đồng tình với việc nên có ưu đãi thuế suất với lĩnh vực văn hóa, báo chí, song cần phân loại rõ ràng và không ưu đãi tràn lan.
Không ưu đãi thuế tràn lan
Thảo luận tại tổ sáng 22/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng tình quan điểm nên có thuế suất ưu đãi đối với lĩnh vực văn hóa, báo chí. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải có phân loại, không ưu đãi tràn lan.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi: Thi hoa hậu có nên ưu đãi về thuế không? Bởi nhiều người nói số cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam nhiều nhất, nhì thế giới.
Bên cạnh đó, đại biểu nêu ví dụ về những cuộc biểu diễn âm nhạc có tới 10.000 người tham gia. Nhóm nhạc Black Pink sang Việt Nam biểu diễn bán mấy triệu đến mấy chục triệu đồng/vé; có cần ưu đãi thuế?
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị không gộp chung các loại hình này vào văn hóa, phải phân loại rõ ràng.
Bên cạnh đó, game cũng là loại hình giải trí, ngành kinh doanh lợi nhuận rất cao và có mặt lợi và hại. Nghị định mới nhất đã quy định người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày.
Do đó, đại biểu đề nghị game cũng cần được kiểm soát bằng thuế, phân loại và cần được đưa vào thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu, các khoản tài trợ cho từ thiện, người nhận tài trợ phải đánh thuế; còn doanh nghiệp chi từ thiện thì không đánh thuế.
Cũng thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, ông Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với việc bổ sung người nộp thuế doanh nghiệp là những đối tượng tổ chức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Theo ông Cường, những đơn vị có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam đều phải nộp thuế để công bằng với người kinh doanh trực tiếp trong nước.
Qua đó, các đơn vị này phải chịu trách nhiệm về hàng hóa bán ra, kê khai thuế và nộp thuế thay cho người mua hàng.
Song đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận sẽ gặp khó trong việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những người kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, tổ chức nước ngoài.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có cơ chế thu thuế tuyệt đối hoặc thu thuế theo doanh thu và không thể áp dụng cơ chế thu thuế nghề nghiệp trong nước.
Cần chính sách ưu đãi nhiều hơn cho báo chí
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết tình hình thu chi ngân sách của nước ta trong những năm qua có cải thiện rất nhiều. Đây là tín hiệu tốt.
Theo đại biểu, việc tăng thuế phải hết sức thận trọng, cần có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm trong bài toán tăng thu.
Ông Ngân cho rằng cần phải quan tâm, ưu đãi thêm, nhất là với những ngành mới mang tính động lực tăng trưởng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Với văn hóa và báo chí, đại biểu nhấn mạnh đây là lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế, phải có chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn.
Theo đại biểu, lần này có xem xét giảm thuế đối với ngành báo chí.
Hiện nay thu nhập từ hoạt động báo in thuộc ngành nghề quy định đưa vào nhóm chịu thuế 10%. Còn thu nhập của báo chí từ hoạt động không thuộc báo in chịu thuế mức 15%. Đại biểu cho rằng 2 lĩnh vực này chỉ nên áp dụng một mức chung là 10%.
Ông Ngân nhấn mạnh cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn cho báo chí bởi trong thời bình, vai trò của báo chí cũng hết sức quan trọng, góp phần đấu tranh với các thông tin xấu độc, phản động, chống phá Nhà nước.
Báo chí cũng góp phần đưa ra những mô hình hay, thông tin tích cực và góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính những nhiệm vụ của báo chí đã giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.
Với quan điểm như vậy, đại biểu đề nghị nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay; từ đó, giúp báo chí có điều kiện đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn.
Đại biểu đề nghị trong giai đoạn đầu (có thể là 5 năm) đưa các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, báo chí có chính sách ưu đãi như miễn không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở giai đoạn đầu hoặc ở mức thấp nhất để khuyến khích.