1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu Quốc hội lo ngại bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023

Thế Kha

(Dân trí) - "Tôi rất lo ngại nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 vì rất khó để có thể kết nối các cơ sở dữ liệu khi chúng ta muốn sử dụng các thông tin về cá nhân", đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba nói.

Phát biểu cuối phiên thảo luận chiều 27/10, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật - đặc biệt quan tâm đến kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022, định hướng năm 2023 và thời gian tiếp theo.

Theo ông, một điểm mới và rất nóng hiện nay là việc xây dựng, vận hành, kết nối các cơ sở dữ liệu, đặc biệt kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về đất đai, Cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và tác động rất rộng đến toàn xã hội.

"Vấn đề này cũng liên quan trực tiếp đến việc chúng ta phải thực hiện Luật Cư trú, trong đó đặc biệt là quy định của Luật Cư trú từ ngày 1/1/2023 thì sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị", ông Ba nêu bối cảnh.

Đại biểu Quốc hội lo ngại bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 - 1

Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Vị đại biểu tỉnh Bình Định đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực, làm ngày làm đêm để có được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đó là xây dựng, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với phương châm thông tin dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống. Đến nay đã từng bước khai thác cơ sở dữ liệu này, có kết nối nhất định để thực hiện các thủ tục hành chính, để đơn giản hóa thủ tục cũng như tạo thuận lợi cho người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rất nỗ lực trong xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, ban hành quy định để thực hiện các biện pháp giảm thiểu phiền hà cho người dân trong việc phải xuất trình các giấy tờ cá nhân, chứng minh các thông tin về cá nhân để làm các thủ tục về đất đai.

Ngành tư pháp cũng rất nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch, chú trọng việc tin học hóa để thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch. Hiện, 100% các địa phương đã thực hiện trực tuyến thủ tục khai sinh, 50/63 tỉnh thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến, 55/63 tỉnh, thành phố có thể thực hiện thủ tục khai tử trực tuyến.

"Tuy nhiên, nếu chúng ta đánh giá kỹ, đặc biệt là nhìn dài hạn và yêu cầu của chuyển đổi số thì tôi thấy vẫn còn rất nhiều các hạn chế. Chúng tôi đi khảo sát ở một số bộ, ngành và đến trực tiếp tại các địa phương, thậm chí trao đổi với cả các cán bộ cấp xã thì thấy rằng còn rất nhiều vấn đề", ông Ba nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề:

Thứ nhất, đang có sự chậm trễ trong việc rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục hành chính để làm sao tối ưu hóa quy trình. Trên cơ sở đó mới có thể số hóa thủ tục hành chính, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu.

Thứ hai, nội dung của các cơ sở dữ liệu còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, giữa các cơ sở dữ liệu rất quan trọng như dữ liệu quốc gia về dân cư với đất đai, với hộ tịch thì nhiều nội dung chưa thống nhất. Trong khi sự phối hợp để rà soát, làm sạch dữ liệu cho thống nhất cũng còn chậm và cũng đang vướng mắc ở trong các cơ quan. Đặc biệt là sự kết nối để thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú sắp tới.

"Tôi rất lo ngại nếu chúng ta bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 vì rất khó để có thể kết nối các cơ sở dữ liệu khi chúng ta muốn sử dụng các thông tin về cá nhân, trong đó có thông tin về nơi cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính. Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng còn rất hạn chế", đại biểu nêu lo ngại.

Đại biểu Quốc hội lo ngại bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 - 2

Tôi rất lo ngại nếu chúng ta bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 thì rất khó để có thể kết nối các cơ sở dữ liệu khi chúng ta muốn sử dụng các thông tin về cá nhân"- đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba lo ngại. (Ảnh: N.D.).

Về giải pháp, ông Đồng Ngọc Ba đề nghị phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật. Hiện, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ rà soát, xác định được khoảng 20 Nghị định và gần 50 Thông tư có liên quan đến vấn đề này, cần có giải pháp sớm hoàn thiện. Trong đó, cần quan tâm sớm ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, vốn đã được nói đến nhiều.

Bên cạnh đó phải tăng cường các biện pháp để vừa đẩy nhanh tiến độ nhưng đảm bảo chất lượng của các cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, đảm bảo sự thống nhất. Quan tâm đầu tư thêm về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm để có thể đảm bảo vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu.

"Chúng ta cần tăng cường công tác phối hợp, trong đó đặc biệt là phải lấy lợi ích của người dân lên trên hết. Chúng ta vẫn có những hiện tượng cát cứ về thẩm quyền, đặt lợi ích của ngành lên trên sự thuận lợi của người dân, ở nhiều nơi chúng tôi thấy có câu chuyện như vậy. Trong phối hợp cũng cần phải có quan tâm thêm", ông Ba bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm