Đại biểu lo thất thu ngân sách, tăng hàng lậu nếu áp thuế mạnh với rượu bia

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia quá nhanh có thể khiến giá sản phẩm hợp pháp tăng cao, kéo theo nguy cơ mất việc làm của hàng trăm nghìn lao động.

Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá, là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, sáng 26/3, khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) góp ý việc tăng thuế đối với rượu bia cần được xem xét một cách thận trọng trên 3 khía cạnh: tác động đến việc làm, thu ngân sách và sức khỏe cộng đồng.

Vị đại biểu lo ngại việc tăng thuế quá nhanh có thể khiến giá bia hợp pháp tăng cao, làm giảm sản lượng tiêu thụ, kéo theo nguy cơ mất việc làm của hàng trăm nghìn lao động. "Theo nghiên cứu độc lập, thu nhập của người lao động có thể giảm tới 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất", ông Minh dẫn chứng.

Đại biểu lo thất thu ngân sách, tăng hàng lậu nếu áp thuế mạnh với rượu bia - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Ảnh: Phạm Thắng).

Về thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách địa phương, đại biểu Minh cho rằng khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh, các nguồn thu này cũng sẽ bị suy giảm đáng kể. Vì thế, ông nêu quan điểm điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo áp lực cho nguồn thu.

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng cảnh báo việc tăng thuế có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm bia nhập lậu hoặc bia cỏ không kiểm soát được chất lượng, gây nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm và thất thu ngân sách Nhà nước.

"Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường", ông Minh nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là tăng thu ngân sách, mà quan trọng hơn là thay đổi hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông, cách áp thuế hiện nay chưa thực sự đạt được mục tiêu này.

Song điều ông quan tâm là cách đánh thuế thế nào để mang lại hiệu quả, giảm hành vi tiêu dùng.

"Dự thảo luật đưa ra phương án từ 2026 đến 2030 sẽ tăng 5% với sản phẩm rượu, bia. Cách tăng đều đều 5% như vậy có ý nghĩa gì? Có làm cho người tiêu dùng thay đổi hành vi không? Hay người tiêu dùng lại thấy mức thay đổi này không đáng bao nhiêu, nên cứ dùng đều?", ông Cường đặt vấn đề.

Đại biểu lo thất thu ngân sách, tăng hàng lậu nếu áp thuế mạnh với rượu bia - 2

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị cân nhắc cách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sao cho hiệu quả (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo vị đại biểu, cách thức đánh thuế tăng đều theo hàng năm không phải mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng mà có thể khiến người tiêu dùng dần dần thích nghi. "Giống như luộc con nhái, bỏ vào nước lạnh và đun nóng dần, con nhái không phản ứng, rồi cứng dần đến lúc chết. Nhưng nếu bỏ con nhái vào nước nóng, nó sẽ giãy giụa ngay", ông Cường ví von.

Từ phân tích đó, đại biểu Cường đề xuất tăng thuế mạnh ngay từ đầu, sau đó giữ ổn định trong vài năm để tạo tác động rõ ràng. "Chúng ta cần một cú hích đủ lớn để người tiêu dùng thay đổi thói quen, chứ không phải cứ tăng chút một rồi họ vẫn tiếp tục sử dụng", ông Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc tăng thuế cần đi kèm với các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia và thuốc lá.

Nếu chỉ tăng thuế mà không có truyền thông, giáo dục thì người tiêu dùng vẫn sẽ tìm cách thích nghi, và khi đó mục tiêu hạn chế tiêu thụ sẽ không đạt được, theo lời vị đại biểu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh rằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà còn để thực hiện các cam kết trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các quy định về an toàn giao thông.

Ông khẳng định đề xuất tăng thuế đã tính đến yếu tố tác động tới doanh nghiệp và nền kinh tế, do đó cần sự đồng thuận từ Quốc hội để thực thi hiệu quả.

Đại biểu lo thất thu ngân sách, tăng hàng lậu nếu áp thuế mạnh với rượu bia - 3

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (Ảnh: Phạm Thắng).

Về việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã nhiều lần đề xuất nhưng chưa được thông qua. Tuy nhiên, lần này có sự đồng thuận cao hơn từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế và các tổ chức y tế quốc tế.

"Việc áp thuế nước giải khát có đường không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp điều chỉnh thói quen tiêu dùng từ sớm, trước khi đồ uống có đường trở thành một thói quen phổ biến và khó thay đổi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần có sự rà soát kỹ lưỡng về mức thuế và cách thức thực hiện để đảm bảo công bằng giữa các nhóm sản phẩm. "Không thể đánh thuế chung tất cả các sản phẩm có đường mà không xét đến mức độ ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án phù hợp", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.