Đại biểu đề nghị miễn thuế cổ vật hồi hương

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật và miễn thuế, phí liên quan mới thu hút nguồn lực cho cổ vật về nước.

Ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp cổ vật

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 26/6, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) đánh giá, dự thảo luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO.

Về quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nơi thường trú, đại biểu cho rằng việc quy định đăng ký di vật, cổ vật là hết sức cần thiết.

Đại biểu đề nghị miễn thuế cổ vật hồi hương - 1

Thượng tọa Thích Đức Thiện (Ảnh: Quốc hội).

"Qua đó chúng ta có thể quản lý, nhận diện qua mã số; hình thành bộ dữ liệu di sản; quản lý việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật; ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích cũng như ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật ra nước ngoài", Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị cần quy định mối liên hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với lợi ích, quyền lợi của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật được đăng ký. 

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đề nghị Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan.

Chưa quy định cụ thể ưu đãi về thuế

Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho biết, khoản 5 Điều 49 dự luật quy định: "Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác".

Trong khi đó, đại biểu cho biết, theo quy định của Hiến pháp, vấn đề về thuế phải quy định trong luật. Hiện nay thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.

Theo đại biểu, quy định nêu trên của dự thảo luật chưa rõ. Ưu đãi thuế với việc dùng ngân sách nhà nước đưa di vật, cổ vật về Việt Nam được ưu đãi theo quy định pháp luật nào?

Dự luật chưa quy định cụ thể cũng không dẫn chiếu ưu đãi đến pháp luật về thuế. Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng cần làm rõ nội hàm chính sách của quy định trên để có quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu đề nghị miễn thuế cổ vật hồi hương - 2

Đại biểu Sùng A Lềnh (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, khoản 1 Điều 90 của dự thảo Luật quy định: "Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…".

Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90 quy định: "Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập".

Trong khi Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và Điều 12 Nghị định 163/2016 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.