Chính phủ giải trình việc đổi tên và sửa nhiều thông tin trên thẻ căn cước
(Dân trí) - Theo Chính phủ, việc đổi tên thẻ căn cước là phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới. Việc này không tốn chi phí.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của Đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.
Theo Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi là của Luật là Luật Căn cước để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể đã mở rộng theo hướng bao gồm cấp căn cước cho người gốc Việt Nam.
Đổi tên thẻ căn cước không tốn chi phí
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Chính phủ cho biết nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với việc điều chỉnh thông tin thể hiện trên thẻ căn cước để bảo đảm quyền riêng tư của công dân, giải quyết vướng mắc khi sử dụng thẻ căn cước công dân hiện nay.
Ngoài ra, còn một số Đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị chỉnh lý, quy định rõ hơn nội dung này tại dự thảo Luật để bảo đảm thuận lợi khi áp dụng.
Trong đó, có đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc đổi tên thẻ căn cước công dân hoặc đề nghị giữ nguyên thẻ căn cước công dân như hiện nay để bảo đảm tính ổn định, tránh lãng phí.
Những ý kiến này cho rằng tên thẻ căn cước công dân là để cấp cho công dân, hoàn toàn phân biệt được với Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt.
Hơn nữa, đây là tên có từ lâu, quen thuộc nên việc thay đổi sẽ tác động gây mất ổn định tâm lý của người dân, khiến cho dân thấy rằng chính sách thay đổi liên tục, xáo trộn, tốn kém chi phí.
Chính phủ khẳng định những thẻ đã cấp thì tiếp tục sử dụng và không cấp đổi, thẻ mới cấp thì sẽ thành cấp thẻ căn cước. Song một số đại biểu Quốc hội băn khoăn việc tồn tại đồng thời hai thẻ có tên khác nhau, quá trình chuyển đổi cũng mất ít nhất 20 năm theo thời hạn của thẻ căn cước công dân. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng hơn tác động của việc thay đổi tên thẻ căn cước công dân.
Giải trình làm rõ ý kiến này, Chính phủ khẳng định việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước là phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước, Chính phủ cho rằng thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Do đó, việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân. Chính phủ khẳng định thêm, dự thảo luật quy định các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành cũng có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.
"Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội", theo khẳng định của Chính phủ.
Thay đổi nhiều thông tin trên thẻ căn cước
Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Căn cước, có đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá thêm về thông tin in trên thẻ căn cước.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ nên thể hiện những thông tin không có sự thay đổi nhiều trên thẻ căn cước, ví dụ như thông tin "nơi thường trú", "nơi sinh" hoặc "nơi đăng ký khai sinh lần đầu", thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước…
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho biết Điều 19 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước thành số định danh cá nhân; sửa dòng chữ "căn cước công dân" thành "thẻ căn cước"; sửa quê quán, nơi thường trú thành nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
"Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân", Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước.
Theo lập luận của Chính phủ, việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" in trên thẻ căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Với quy định này, tất cả người dân Việt Nam sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước và được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.