Đặc sắc lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
(Dân trí) - Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025 diễn ra với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Sáng 3/2, (mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025.
Dự lễ kỷ niệm và khai mạc lễ hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Đặng Thị Ngọc Thịnh; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Ôn lại truyền thống lịch sử, tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang; là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta.
Theo Phó Chủ tịch nước, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá, đó là chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đứng lên kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình, thì không lực lượng gì thắng được.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá, việc tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân; đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.
Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025 diễn ra từ ngày 3 đến hết ngày 7/2, tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm tổ chức kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.
Trong ngày khai mạc (3/2), hàng nghìn người dân và du khách đã đến tham gia lễ hội đền Hai Bà Trưng, thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc.