1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

“Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác là bắt bí chính quyền”

(Dân trí) - Theo GS.TS Lê Huy Bá, việc Đa Phước viện lý do áp lực dư luận, giảm mùi hôi để trả lại 2.000 tấn rác (mỗi ngày) cho TPHCM là thiếu trách nhiệm, là bắt bí chính quyền. “Đa Phước nhận xử lý rác của TP theo hợp đồng đàng hoàng nên không thể muốn làm thì làm và muốn trả thì trả”, GS Bá nói.

"Đa Phước hành xử thiếu trách nhiệm"

GS.TS Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TPHCM) - đánh giá như trên và cho rằng trách nhiệm của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS – chủ đầu tư khu xử lý chất thải rắn Đa Phước) là phải tiếp nhận và xử lý rác cho TPHCM tới nơi tới chốn.

Theo GS Bá, VWS hành xử thiếu trách nhiệm, bắt bí chính quyền TP vì hiện nay TP đang khó khăn về nơi xử lý rác, trong khi đơn vị này gần như độc quyền (VWS xử lý 5.400 tấn rác trên tổng số 7.500 tấn/ngày của TP).

Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) gây ô nhiễm môi trường khu Nam Sài Gòn
Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) gây ô nhiễm môi trường khu Nam Sài Gòn

“Giới khoa học và kể cả một số lãnh đạo TP cách đây nhiều năm đã cảnh báo về chuyện độc quyền xử lý và ảnh hưởng tới an ninh về rác khi đóng cửa bãi chôn lấp số 3 khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để chuyển 2.000 tấn rác về Đa Phước nhưng TP không nghe”, GS Bá nhấn mạnh.

Đánh giá về tình hình ô nhiễm môi trường khu Nam Sài Gòn, ông Bá cho rằng hiện nay, chủ yếu rác được chôn lấp đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, TP cần phải xử lý rác khoa học hơn, phải bớt chôn lấp rác, hướng tới tái chế. TP phải rà soát lại khâu thu gom, phân loại, vận chuyển cho đến xử lý rác bởi các khâu này hiện nay đang có vấn đề. GS Bá cho rằng TP cũng phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong xử lý rác để tránh độc quyền.

Liên quan đến việc VWS xin trả lại 2.000 tấn rác, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, các vấn đề liên quan đến việc xử lý rác, Sở đều có ký hợp đồng với các đơn vị, trong đó có VWS. Vì vậy, cơ sở để giải quyết kiến nghị của VWS là căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng. Việc giải quyết sẽ được xem xét thấu đáo và đặt vấn đề đảm bảo môi trường lên hàng đầu.

Lãng phí cả nghìn tỷ khi chuyển rác về Đa Phước

Theo kết luận của Thanh tra TP, từ tháng 4/2015, bãi chôn lấp số 3 tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) ngừng tiếp nhận rác để chuyển sang chế độ dự phòng. Phần lớn khối lượng rác (2.000 tấn/ngày) đều chuyển về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Tuy nhiên, bãi chôn lấp số 3 này vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên không thể đáp ứng yêu cầu “dự phòng”. Đồng thời, việc dừng tiếp nhận rác tại bãi Phước Hiệp gây lãng phí hơn 1.000 tỷ đồng (gồm 600 tỷ đồng đã đầu tư bãi chôn lấp và dự kiến bồi thường 400 tỷ đồng cho nhà đầu tư Hàn Quốc).

TP tốn thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm khi chuyển 2.000 tấn rác từ Phước Hiệp về Đa Phước
TP tốn thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm khi chuyển 2.000 tấn rác từ Phước Hiệp về Đa Phước

Theo kết quả thanh tra, trên địa bàn TP có 4 đơn vị ký hợp đồng xử lý rác. Tuy nhiên, chỉ có 3 đơn vị được Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP giám sát về tiếp nhận chất thải, giám sát mùi hôi, thực hiện quan trắc định kỳ... theo quy định. Riêng hoạt động tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước chỉ mới dừng lại ở việc xác nhận khối lượng rác tiếp nhận qua cầu cân của VWS.

Thanh tra TP đã kiến nghị TP nên tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh bãi chôn lấp số 3 để tiếp nhận 2.000 rác mỗi ngày để đảm bảo duy trì hoạt động, duy trì lực lượng lao động và đáp ứng khả năng dự phòng khi có sự cố xảy ra đối với khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa được TP đồng ý.

Đồng thời, việc khu xử lý chất thải rắn Đa Phước công bố nâng công suất tiếp nhận từ 3.000 tấn/ngày lên đến 10.000 tấn/ngày (và hiện tiếp nhận khoảng 5.400 tấn/ngày) sau khi nhận thêm 2.000 tấn/ngày từ Phước Hiệp cũng được Thanh tra TP kiến nghị cân nhắc. Thanh tra TP e ngại về công tác quản lý nhà nước về môi trường, việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư... Đặc biệt là vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp khu xử lý rác này xảy ra lún, sụt, cháy nổ... Tuy nhiên, các dự báo này chưa được chú ý.

Và cho đến nay, dự báo của Thanh tra TP đã trở thành hiện thực khi khu xử lý chất thải rắn Đa Phước để xảy ra ô nhiễm môi trường và ngưng xin ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác từ Phước Hiệp trước đây.

Quốc Anh