TPHCM cố làm bằng được bãi rác Đa Phước, giờ phải “lãnh hậu quả”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu xác nhận việc Bộ này đã từng nhiều lần can ngăn việc làm bãi rác Đa Phước với công nghệ chôn lấp lạc hậu, nhưng sau đó TPHCM đã thuyết phục được Bộ cho phép và “đến giờ thì quyết định này… phải lãnh hậu quả”.


Bãi rác Đa Phước là ổ ô nhiễm của TPHCM. (Ảnh: Hoài Lương)

Bãi rác Đa Phước là "ổ ô nhiễm" của TPHCM. (Ảnh: Hoài Lương)

Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều muộn ngày 31/8, nói về việc vừa qua, cư dân phía nam TPHCM liên tục phản ánh về tình trạng bị tra tấn bởi mùi hôi, nhiều người dân đặt nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ khu liên hợp xử lý rác Đa Phước, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua UBND thành phố, trực tiếp là Sở TN-MT đã khảo sát, kiểm tra về việc này.

Qua ý kiến ban đầu, Sở nhận định hoạt động của toàn bộ khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó còn Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH đô thị Hòa Bình cũng được bố trí gần khu vực này, cũng gây ra ô nhiễm về không khí.

Với ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia là công nghệ xử lý rác tại Đa Phước không tiên tiến, giá thành lại cao, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, hiện Sở TN-MT TPHCM đang xem xét, có đánh giá kỹ, đặc biệt liên quan đến công nghệ xử lý rác thải của Công ty xử lý rác thải Việt Nam (VWS).

“Bộ cũng biết ở đây việc xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp với quy trình công nghệ và quy chuẩn được áp dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước thải, nước rác đơn cử như cần có các bể chứa, thì chưa hoàn thành. Quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi và áp dụng công nghệ sinh học hợp lý. Một việc chính nữa là thu được khí phân hủy từ rác và nước phân hủy để xử lý. Hiện nay, Bộ đã giao Sở TN-MT TPHCM kiểm tra và tiếp tục đề xuất” – ông Hà nói.

Về chi phí, công nghệ xử lý rác, người đứng đầu Bộ TN-MT nhấn mạnh, quan điểm của Bộ là, dù trên thế giới, nhiều nước vẫn chấp nhận chôn lấp, nhưng công nghệ chôn lấp không triệt để, không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường. Quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này có nhiều vấn đề lớn. Công nghệ chôn lấp chỉ là giải pháp mang tính trước mắt nhưng cũng được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Theo đó, vấn đề là cần kiểm tra, đánh giá thật kỹ xem đơn vị vận hành đã áp dụng đúng, đủ quy trình quy định hay chưa.

Còn về giá cả, Bộ trưởng TN-MT phán đoán, UBND và các sở, ngành TPHCM hẳn là đã cân nhắc kỹ tính toán kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp để giao việc.

Các chuyên gia cũng cho rằng vị trí bãi rác không phù hợp với quy hoạch phát triển của TPHCM, Bộ trưởng Trần Hồng Hà “gật đầu”: “Phải thừa nhận như TPHCM đã nói, 5 năm trước đó là vùng hoang sơ, việc bố trí là hợp lý. Nhưng với mức phát triển của TP, bài toán xử lý rác thải, chất thải rắn nói riêng, cần nhìn xa, rộng hơn, tính toán theo vùng. Cần cơ chế phối hợp giữa thành phố này với địa phương khác, quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn”.

Trên thực tế, quy hoạch bãi chôn lấp rác với việc bố trí dân cư, đô thị luôn có xung đột. Vấn đề là làm sao cố gắng quy hoạch tốt nhất, tầm nhìn xa nhất. Bài toán lâu dài vẫn nằm ở khâu lựa chọn sử dụng công nghệ hiện đại, thiêu đốt rác và phát điện thay cho công nghệ chôn lấp.


Thứ trưởng Đào Quang Thu: Dù Bộ đã nhiều lần can ngăn nhưng TPHCM cố thuyết phục bằng được để xây dựng bãi rác Đa Phước.

Thứ trưởng Đào Quang Thu: Dù Bộ đã nhiều lần can ngăn nhưng TPHCM cố thuyết phục bằng được để xây dựng bãi rác Đa Phước.

Về thông tin Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng nhiều lần bác dự án xử lý rác thải Đa Phước, bên cạnh lý do giá thành xử lý rác cao còn có vấn đề nghi ngờ năng lực cạnh tranh yếu của nhà thầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu xác nhận, dù Bộ này đã nhiều lần can ngăn nhưng TPHCM đã thuyết phục được Bộ cho phép. Đến giờ thì quyết định này… “phải lãnh hậu quả”.

Thứ trưởng Đào Quang Thu giải thích thêm, từ khi có Luật Đầu tư năm 2005, Bộ KH&ĐT không can dự trực tiếp vào dự án nào ở địa phương. Các dự án ở địa phương sẽ do chính quyền địa phương đó quyết định, theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2005, không có chuyện Bộ lên tiếng dự án này nên làm, dự án kia không nên.

P.Thảo