Đà Nẵng than khó thu hồi tài sản liên quan Vũ "nhôm"
(Dân trí) - Đà Nẵng kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội điều chỉnh, hướng dẫn một số vướng mắc để tháo gỡ trong việc thu hồi các tài sản, chủ yếu là bất động sản liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ.
UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc thực hiện bản án liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Sau khi bản án có hiệu lực, UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai thi hành, ban hành quyết định thu hồi tài sản là nhà, đất theo bản án số 158 và bản án sơ thẩm số 20.
Tuy nhiên quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, nhận được nhiều văn bản của các cá nhân, tập thể kiến nghị liên quan đến các tài sản thực hiện thu hồi.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, có nhiều tài sản trước khi kê biên đã chuyển nhượng, không còn đứng tên Phan Văn Anh Vũ.
Trong đó, 2 thửa đất B3-13-35 (hơn 174m2) và B3-13-51 (hơn 210m2) cùng tờ bản đồ K101/01 khu đô thị Habour Ville (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều được chuyển nhượng trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành kê biên.
Do đó, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị bản án.
Vướng mắc tiếp theo là những tài sản có sự khác biệt giữa lệnh kê biên tài sản, bản án và thực tế, gồm: nhà, đất số 7, 20 đường Bạch Đằng, số 37, 39 đường Pasteur. Do vậy, Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh nội dung bản án.
Đối với nhóm tài sản thu hồi liên quan người thân của Phan Văn Anh Vũ và các công ty có liên quan gồm: nhà đất số 22 Cô Giang, số 2 Hải Phòng, 20 Bạch Đằng, 34 Hoàng Văn Thụ, 45 Nguyễn Thái Học, 73 Nguyễn Thái Học…, theo UBND thành phố Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân này kiến nghị đây là các tài sản hợp pháp của họ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số tài sản đã được chủ sở hữu mới đầu tư xây dựng trên đất, nếu thu hồi, phải bồi thường.
Đà Nẵng đã báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để thực hiện theo bản án và giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với Dự án Khu du lịch ven biển tại đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), đây là dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo dự án đầu tư đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, điều 48 Luật Đầu tư không quy định thu hồi dự án, chỉ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư; điều 64 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, không có khái niệm "thu hồi dự án" như bản án đã tuyên, dẫn đến UBND thành phố Đà Nẵng lúng túng.
Theo cách hiểu bản án của UBND thành phố Đà Nẵng, sẽ thu hồi đất sau đó chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp nội dung bản án như cách hiểu của Đà Nẵng, đề nghị tòa án đính chính, điều chỉnh bản án để thành phố có cơ sở thực hiện.
Theo báo cáo, bản án hình sự phúc thẩm ngày 12/5/2020 của tòa tuyên các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Vi phạm các quy định quản lý đất đai.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi cho nhà nước các bất động sản gồm 11 nhà, đất và 2 thửa đất.
Giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) và phường Thanh Bình (quận Hải Châu).
Ngoài ra, hội đồng xét xử phúc thẩm cũng tuyên giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi Dự án Khu du lịch biển Non Nước, tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), diện tích 3,77ha.