Đà Nẵng làm cách nào để chống ngập cho đô thị?
(Dân trí) - Trận mưa lớn vào tháng 10 năm ngoái khiến Đà Nẵng ngập lụt lịch sử vẫn ám ảnh người dân. Mùa mưa năm nay cận kề, thành phố đã triển khai giải pháp gì để chống ngập cho đô thị?
9 điểm ngập úng thường xuyên
Sau trận mưa đầu mùa tối 10/9, hàng loạt tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng ngập sâu, phương tiện đi lại khó khăn. Theo ghi nhận, trận mưa này tuy không kéo dài, nhưng lưu lượng lớn và mưa liên tục.
Tại một số khu vực, có hiện tượng cửa cống thoát nước bị bít do rác sinh hoạt hoặc người dân chủ động đóng để ngăn mùi hôi. Việc này khiến hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp, người xe chật vật giữa biển nước ngập, chỉ sau cơn mưa kéo dài 1 giờ.
Kiểm tra hiện trường một số tuyến đường ngập để đánh giá nguyên nhân, tìm cách xử lý, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết tại giao lộ Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám, có hơn 120 cửa thu gom nước, nhưng "chưa hiểu vì sao, khi mưa lớn, vẫn không thoát kịp".
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện Đà Nẵng có 9 điểm ngập thường xuyên, kéo dài. Trong đó, 6 điểm đang triển khai thi công dự án chống ngập, gồm khu vực Trung Nghĩa, xung quanh đồi Trung Sơn, cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, kiệt 96 đường Điện Biên Phủ, đường Hà Huy Tập, kiệt 818 đường Trần Cao Vân.
Các khu vực này bị ngập chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng lâu năm, dẫn đến chưa thể hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính hoặc vướng các dự án đang thi công.
Bên cạnh đó, có 3 điểm đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập, tại các tuyến đường Trần Xuân Lê, Tống Phước Phổ và Lê Tấn Trung. Các vị trí này chủ yếu có địa hình trũng thấp, hệ thống thoát nước hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa thu nước đã bị lấp nên khi có mưa lớn, nước thoát không kịp, gây ngập úng.
Rà soát bất cập để xây dựng kịch bản ứng phó
Sở Xây dựng cho biết đang tham mưu thành phố triển khai phương án ứng phó ngập úng trước mùa mưa. Trước mắt, tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh đã được thành phố phê duyệt.
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đã nạo vét khoảng 3.200m3 bùn, đang khảo sát hiện trạng, nạo vét thêm 1.200m3 ngay trước mùa mưa.
Theo Sở Xây dựng, các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công, các trạm bơm chống ngập sẽ bố trí nhân viên thường xuyên túc trực, xử lý.
Tại các tuyến đường trung tâm, gồm các đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, tuyến cống sân bay ra đường Trưng Nữ Vương, trước mỗi trận mưa, các trạm bơm phải vận hành để hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất để dự trữ dung tích điều tiết.
Các quận, huyện tăng cường tuyên truyền người dân không bịt cửa cống thoát nước, gây cản trở dòng chảy; chung tay khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra.
Về lâu dài, Sở rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước thành phố; xây dựng kịch bản ứng phó ngập úng đô thị nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn.
Sở Xây dựng cũng cho biết, do tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn thành phố luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn.
Do vậy, UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị; hạn chế tối đa việc bê tông hóa không cần thiết.