Đà Nẵng giây phút đau thương và hạnh phúc
(Dân trí) - 12 giờ trưa 23/5, nắng như thiêu như đốt, dòng người đến chờ đợi vẫn không ngừng tăng lên. Những đôi mắt đỏ hoe, những khuôn mặt xạm đen dán vào hàng rào sắt hướng ra cầu cảng số 1. Thành phố Đà Nẵng như nín thở chờ đón những người từ “tọa độ chết” trở về.
Sáng 23/5, dọc trên các con đường ven biển Đà Nẵng đông nghịt người đổ về hồi hộp ngóng tin người thân từ 2 tàu cứu hộ sắp vào bờ. Đúng 13h25 phút, tàu SAR 411 và 412 cập cầu 1 cảng Sông Hàn, mang theo 33 người sống sót và 15 thi thể của các ngư dân gặp nạn trên biển Đông.
Mặc dù đã biết tin tàu cứu hộ sẽ cập cảng vào đầu buổi chiều, song từ sáng tinh mơ, hàng nghìn người có thân nhân mất tích đã tụ tập về cảng Sông Hàn ngóng đợi. Theo kế hoạch của TP Đà Nẵng, cảng Sông Hàn chỉ là nơi cập bến, trung chuyển người bị nạn về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để chăm sóc y tế cho người sống sót và làm thủ tục bàn giao tử thi người xấu số.
Các ngả đường huyết mạch như Bạch Đằng, Trần Phú đột nhiên kẹt xe cục bộ vào chiều 23/5. Đường Quang Trung, nơi có địa điểm tiếp nhận tử thi và chăm sóc sức khỏe cho những người sống sót, bỗng trở nên đông nghẹt người khi chuyến xe chuyên dụng của Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng từ cảng Sông Hàn trở về. Ước tính có đến cả vạn người tập trung về Đà Nẵng chiều qua để tìm kiếm thân nhân.
Những người may mắn sống sót được đưa ngay vào phòng hồi sức cấp cứu. Hầu hết những người này đều trong tình trạng suy kiệt vì sốc quá lớn. Trong số 23 người đang được chăm sóc y tế, có 2 ngư dân là Hoàng Mai và Đặng Tấn Một khá khỏe mạnh, đủ sức nói chuyện với mọi người.
Người lên mặt đất đầu tiên, anh Trần Công Sỹ, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, dường như vẫn chưa hết sốc sau những ngày lênh đênh trên biển. Trừ những lúc mệt quá lả đi, hễ tỉnh dậy trên gương mặt anh lại ánh lên nỗi kinh hãi tột cùng, có lúc anh bật khóc.
Ba cha con cùng thoát chết trở về
Vẫn còn gần 200 người mất tích Theo thông báo từ Bộ đội biên phòng và Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền Trung, tính đến ngày 22/5, vẫn còn 199 ngư dân mất tích trên biển, 13 tàu bị chìm và 4 tàu mất liân lạc sau Cơn bão số 1.
Kết quả thống kê ban đầu cho biết, có khoảng 300 ngư dân gặp nạn, trong đó các tàu đã vớt được 77 người sống, 24 người chết.
Hiện tại công tác tìm kiếm cứu hộ trên biển vẫn đang được Hải quân và lực lượng tìm kiếm cứu nạn tích cực triển khai. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó trưởng ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, chiều hôm qua phía Đài Loan thông báo đã tăng cường thêm một tàu cứu nạn tại vùng biển Đài Loan - nơi có các ngư dân miền Trung gặp nạn. Trước đó, ngay sau khi bão tan, Đài Loan đã huy động một tàu cứu nạn trên biển để tìm người mất tích.
Thông tin sáng nay từ Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết, hệ thống điện đàm mới liên lạc được với một tàu đánh cá của Đà Nẵng được cho là mất tích. Những tàu đã được cứu hộ vẫn đang chia làm 3 nhóm cùng tiến về đất liền. Riêng tàu HQ 628 dự kiến sẽ trở về cảng Sông Hàn trong ngày hôm nay. |
Anh Đặng Tấn Một (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có lẽ là người may mắn nhất trong đoàn người trở về từ biển cả chiều 23/5. Anh Một khá tỉnh táo trò chuyện về hoàn cảnh của mình. Thông tin mừng nhất anh cho biết là ngoài bản thân, 2 cậu con trai của anh cũng bình an vô sự và đang cách đất liền gần 150 hải lý. Dự kiến khoảng 14 giờ chiều nay (24/5), hai người con trai anh sẽ cập cảng Sông Hàn.
Anh Một kể, nhà anh có tới 5 người con, cái ăn cái mặc của chừng ấy con người đều phụ thuộc vào biển cả. Đặng Tấn Hai và Đặng Tấn Ba là 2 cậu con trai lớn trong nhà đã phải theo ba đi biển câu mực kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Chuyến đi lịch sử của ba cha con anh đã khởi hành cách đây hơn 1 tháng. Anh em Hai và Ba đi câu trên chiếc tàu Đà Nẵng mang số hiệu DNA 90354. Anh Một lên một chiếc tàu khác trong đoàn tàu câu mực cùng nhau lướt sóng nhằm hướng đảo Đài Loan để thả câu.
Anh Một vẫn chưa hết bất ngờ về diễn biến của cơn bão: “Anh em trên tàu theo dõi đài thấy báo bão đi hướng Tây Tây Bắc. Mọi người nghe xong đều lắc đầu vì không thể trở về biển Việt Nam để kịp tránh bão. Chúng tôi đành cho tàu chạy ngược lên hướng đảo Đài Loan, tìm một đảo nhỏ để tránh xa tâm bão. Điều không thể ngờ là bão đột ngột đổi hướng Đông Bắc, lên thẳng đảo Đài Loan, vậy là đoàn tàu chúng tôi trúng luôn tâm bão.”
Bão đã quần trên vùng biển nơi đoàn tàu anh Một trú từ 9 giờ tối 18/5 đến 3 giờ chiều 19/5. Sau bão, đoàn tàu của anh chỉ còn lại 15 chiếc. Họ chia nhau đi tìm những tàu bị chìm hoặc đang lưu lạc trên biển khơi. Tổng cộng đã có 19 xác ngư dân được vớt.
Anh Một giọng chùng hẳn xuống, mắt ngân ngấn lệ: “Mấy ba con tui may mắn được trở về nhưng ngoài biển khơi vẫn còn ông anh ruột, chú em ruột và mấy đứa nhỏ kêu tui bằng bác đang mất tích. Đau lắm chú à”.
Chuyện tình cảm động bên giường cấp cứu
|
Bên giường cấp cứu số 1, một người con gái khá xinh, da trắng - hoàn toàn không có dáng dấp của người miền biển - xúc động gục đầu vào vai người bệnh được đeo thẻ mang tên Trần Thanh Tới, SN 1984. Cô gái đó là Võ Thị Ngoa, SN 1987. Ngoa và Tới đã đính hôn cùng nhau từ 3 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa làm lễ cưới.
Sau cơn xúc động mạnh, Ngoa đã bình tĩnh trở lại và “nhường” người chồng tương lai của mình cho các y tá của Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc. Đứng nép vào cuối góc phòng tiếp chuyện chúng tôi, Ngoa vẫn không rời mắt khỏi Tới. Khi bác sỹ dẫn anh vào phòng trong để khám, ánh mắt cô gái bỗng dáo dác: “Họ đưa ảnh đi đâu vậy các anh?”. Câu chuyện giữa chúng tôi và Ngoa nhiều lần bị gián đoạn vì cô gái chỉ muốn chạy vụt vào giữ rịt lấy Tới như vẫn chưa tin anh đã trở về.
Với giọng còn run run, Ngoa kể: “Chúng em đã yêu nhau từ lâu lắm rồi, nhà chúng em đều ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Gia đình hai bên đã đồng ý cho chúng em lấy nhau và đã tổ chức lễ ăn hỏi từ 3 năm trước nhưng em chưa đủ tuổi nên chưa làm đám cưới. Ảnh hứa sau vài ba đợt đi biển về có tiền sẽ tổ chức đám cưới vào cuối năm nay”.
Nghe được câu chuyện giữa chúng tôi và Ngoa, Tới bẽn lẽn cười, nụ cười chỉ khe khẽ vì bao nhiêu sức trẻ đã phải vật lộn với phong ba của biển cả suốt mấy ngày qua đã khiến Tới thiếp đi. Trong giấc ngủ yên bình của Tới, hai bàn tay một trắng trẻo, một đen xạm, cháy nắng vẫn nắm chặt lấy nhau không rời.
Trần Đức