1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị “đón” bão số 7

(Dân trí) - Chưa kịp định thần sau <a href="http://dantri.com.vn/News/Event.aspx?EventID=812">cơn bão Xangsane</a>, giờ lại nghe tin <a href="http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2006/10/149885.vip">“siêu bão” Cimaron</a> sắp đổ bộ, hai ngày qua không khí chuẩn bị đối phó với cơn bão số 7 - bão Cimaron của người Đà Nẵng gấp gáp hơn bao giờ hết.

Thi nhau đào hầm tránh bão “bò rừng”

 

Chính những ám ảnh kinh hoàng về cơn bão Xangsane vừa qua đã khiến cho nhiều người dân Đà Nẵng ngay khi vừa nghe tin về cơn bão Cimaron (tiếng Philipines có nghĩa là “Bò rừng”), đã lập tức bắt tay vào việc sửa sang, giằng chống nhà cửa. Nhiều người dân mất ăn mất ngủ mấy ngày nay vì hậu quả của cơn bão trước chưa kịp khắc phục xong thì nay lại phải đối đầu với một cơn bão khác.

 

Ở tổ 21 phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, trong số hơn 60 hộ dân đang chờ giải toả đến khu tái định cư thì đã có đến 43 căn nhà bị sập hoàn toàn chỉ còn trơ đống gạch vụn. Họ chỉ còn biết dựng tạm mấy cái lều che bằng tôn để ở, nhưng nay nghe tin bão sẽ đổ bộ vào miền Trung, họ đã vội vàng tháo những tấm tôn ra và bó lại, sau đó chằng kỹ ở phía trên.

 

Anh Huỳnh Tấn Quân cho biết, trong cơn bão Xangsane, cũng may nhờ mấy cái ống cống bê tông ly tâm của hệ thống thoát nước ở gần đó mà đã có nhiều người thoát chết do nhà bị sập hoàn toàn. Chạy trốn trong đó họ mới thoát khỏi bị gạch đá bay và các tấm tôn lạng vào người. Giờ e là phải đào hầm thôi…  

 

Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị “đón” bão số 7 - 1
Anh Huỳnh Tấn Quân đang tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa để đào hầm. 

 

Gia đình anh Đặng Lịch thì chỉ còn một góc bếp giờ đang che tạm để nấu nướng, còn ở thì mỗi người trong gia đình tuỳ nghi sơ tán.

 

Và thế là, cùng với một số hộ khác, họ đã quyết làm một hầm trú ẩn ngay tại bãi cát trống nằm cạnh nhà ông trưởng thôn. Anh Thân cho hay, xung quanh phía trong hâm sẽ bố trí các bao tải đựng cát, còn phía trên sẽ giằng chống bằng các loại thân cây, rồi phủ bạt và chất cát lên trên. Một số người khác thì lại tiếp tục nghĩ đến những ống cống bê tông.

 

Bà Lê Thị Cư ở tổ 51 phường Hoà Khánh Bắc vừa xúc cát vào bao tải vừa nói: “Nghe vài người nói bão sẽ vào Quảng Ngãi nhưng không dám chủ quan đâu chú ơi. Ba ngày nay nghe đài báo nói cơn bão ghê lắm. Đợt trước nhà đã bị bay vài tấm tôn và nứt tường, bây giờ mẹ con tôi thà lo sớm mà cho yên tâm một chút rồi còn làm việc khác nữa chứ”.

 

Ngay cả anh sinh viên tên Nhật của Trường ĐHDL Duy Tân đang hăm hở cùng với chủ nhà mình ở trọ dùng dây thép buộc lại mái tôn cũng tranh thủ nói: “Mình tuy là ở trọ nhưng không thể không có một chút trách nhiệm gì với chủ nhà. Nhiều khi một mình chủ nhà không làm xuể mà vô lý mình lại ngó lơ? Vả lại, nếu lỡ ra… thì mình sẽ biết ở nơi đâu?”

 

Tâm trạng của bà Cư,  của chàng sinh viên nọ cũng chính  là tâm trạng của rất nhiều người dân Đà Nẵng khác. Ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê… chúng tôi đều bắt gặp một sự khẩn trương chưa hề có của người dân nơi đây. Và rất nhiều trong số dó không dấu nổi vẻ lo lắng, sự hồi hộp.

 

Giá vật liệu chống bão leo thang”

 

Ở đâu cũng thấy người ta nói về bão, về lụt. Đi đâu cũng thấy cảnh người dân đang giằng chống nhà cửa và chuẩn bị các loại nhu yếu phẩm. Thị trường vật tư phục vụ cho nhu cầu này, sau một thời gian ngắn đã lắng lại, giờ trở nên cực kỳ sôi động.

 

Mặt hàng bao tải quanh khu vực Ngã Ba Huế hay trước các chợ đang được bán đắt như tôm tươi. Một số người dân cho biết, từ khoảng 2 ngày nay, các loại bao tải này đã tăng giá từ 500 đồng/bao lên đến 2.000 đồng/cái( tính cho đến 9 giờ sáng nay). Thậm chí, bao tải còn được bày bán di động trên các vỉa hè như ở dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng…

 

Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị “đón” bão số 7 - 2

Mặt hàng bao cát, đinh, thép được bày bán khắp nơi.

Không chỉ có bao tải tăng giá, mà các mặt hàng khác như đinh, dây thép, thậm chí là cát để người dân độn vào bao cũng đã có sự dịch chuyển về giá. Loại dây thép cuộn trước đây vẫn bán 11.000 đồng/cuộn thì giờ đã tăng thêm 2.000 đồng/cuộn. Giá đinh thép cũng đã xê dịch tăng lên vài ngàn một kg.

 

Anh Nhân, một khách mua hàng có nhà ở phường Hoà Khánh Bắc cho biết: “Nhà tui là nhà cấp 4, tuy cơn bão vừa qua không bị thiệt hại gì lớn, nhưng nghe báo đài báo cơn bão này khủng khiếp lắm, nên cũng tranh thủ nghỉ việc mà ở nhà giằng lại cái mái tôn. Giờ các cửa hàng đều tăng giá đinh, thép thì dân cũng phải chịu thôi. Bán buôn trong tay họ mà”.

 

Tình trạng tư thương trục lợi là vấn đề không xa lạ gì, nhất là sau cơn bão Xangsane, nhưng kiểu trục lợi khi người dân đang dồn hết tâm trí chuẩn bị đối phó với cơn bão mạnh Cimaron, thì rất cần các cơ quan quản lý thị trường ra tay bình ổn.

 

Giằng néo lại nhà và chèn lại mái.
 Giằng néo lại nhà và chèn lại mái.
(Ảnh: Hoàng Nhi)

 

Còn 3 tàu đánh bắt xa bờ chưa liên lạc được

 

Theo nguồn tin từ ngành thuỷ sản, đến 12 giờ trưa nay, trong tổng số 183 chiếc tàu của Đà Nẵng đang đánh bắt xa bờ thì có 13 chiếc đã vào neo đậu tại cảng Sông Gianh, 152 chiếc đã về đậu tại Âu thuyền Thọ Quang và dọc bờ đường sông Hàn, 3 chiếc vào tránh bão tại cảng Hải Phòng, 13 chiếc đang trên đường về Đà Nẵng và vẫn còn 3 chiếc chưa liên lạc được.

 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Cimaron, Ban chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành  phố khẩn trương thông báo tình hình bão cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biểnbiết vị trí hướng di chuyển của bão, chủ động tìm nơi trú ẩn hoặc thoát khỏi vùng ảnh hưởng  của bão, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu  cảnh báo.

 

Đồng thời đề nghị UBND các quận huyện triển khai các phương án phòng chống lụt bão, neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; Các Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, bắt buộc hạ độ cao các thiết bị đang thi công để phòng chống bão cũng như triển khai các phương án chống ngập lụt ở các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang…

 

Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị “đón” bão số 7 - 4

 

Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị “đón” bão số 7 - 5

 Hối hả đưa thuyền bè về nơi trú ẩn an toàn.

(Ảnh: Hoàng Nhi)

 

 

Thành lập các đội cấp cứu cơ động

 

Bộ Y tế vừa có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 7. Theo đó, các cơ sở y tế tuyến tỉnh và các quận, huyên trọng điểm cần thành lập các đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. 

 

Theo dự báo, cơn bão số 7 với cường độ rất mạnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình tới Khánh Hoà. Để chủ động giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả do Bão, lũ gây ra, Bộ yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các phương án về phòng chống lụt bão.

 

Các cơ sở y tế tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do bão, lũ gây ra không được thu bất cứ khoản kinh phí nào. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh và các quận, huyện trọng điểm thành lập các đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

 

Bên cạnh đó, cần bảo vệ các phương tiện, máy móc, vật tư, các kho thuốc, hoá chất tại các cơ sở y tế, không để bão, lũ gây hư hỏng. Triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các công ty Dược, TBYT và các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hoá chất, thiết bị và nhân lực y tế để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. (Hồng Hải)

Thông tin về tình hình miền Trung chuẩn bị đối phó với bão Cimaron sẽ được Dân trí liên tục cập nhật...

Lê Tấn Quỳnh