1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng: Công viên "cửa đóng then cài"

(Dân trí) - Tọa ở một trong những vị trí đẹp nhất thành phố Đà Nẵng: 2 mặt tiền thuộc 2 tuyến đường đẹp, ngay sát cổng sân bay Đà Nẵng, đối diện với siêu thị Bài Thơ,... nhưng nhiều năm nay, công viên 29/3 luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài” với hàng rào kiên cố bao quanh cùng những chiếc cửa sắt nặng nề khép chặt.

Công viên 29/3 có diện tích hàng chục hecta gồm đất trên bờ và mặt nước. Trước đây, công viên vốn chỉ là một bãi đất trống chứa đầy rác. Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, những người vào tiếp quản đã nghĩ ngay đến việc xây dựng một khu công viên phục vụ cho đời sống văn hoá tinh thần  của người dân. Ngay lập tức, bãi đất đó được thanh niên và các đoàn thể tập trung bằng sức người nạo vét, bồi đắp, sửa sang để hình thành một nơi sinh hoạt chung lý tưởng.

 

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm đất nước đổi mới, mọi thứ đều thay đổi, phát triển theo hướng đi lên, chỉ riêng Công viên 29/3 vẫn giậm chân tại chỗ. Thứ "bắt mắt" nhất là cây xanh, còn lại là vẻ tiêu điều, cũ kỹ, xơ xác. Một đầu công viên đang để cho nhà hàng TD thuê. Đầu bên kia dành đất cho nhà hàng và Hội cây cảnh. Một phần khác bày những trò chơi cho thiếu nhi nhưng thường xuyên vắng lặng.

 

Giữa công viên, dọc theo bờ hồ kè bờ dở dang và nham nhở, lác đác vài ghế đá phủ đầy bụi. Nước hồ ô nhiễm nặng, là nơi chứa nước thải nên bốc mùi xú uế. Sáng sớm, khi có người tới tập thể dục, Công viên 29/3 tươi vui và sôi động hơn một chút. Thời gian khác trong ngày, cả công viên vắng lặng, đìu hiu giữa lòng thành phố sôi động. Buổi tối, ánh sáng vàng mờ từ đèn cao áp hắt qua tán cây, mờ tỏ, khiến công viên trở thành nơi ẩn náu và hoạt động lý tưởng của kẻ xấu.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Thuỷ, Giám đốc Công ty công viên Đà Nẵng cho biết: "Công viên 29/3 cũng chỉ là một trong nhiều công viên khác công ty đang quản lý, cho nên mức độ quan tâm của chúng tôi cũng có hạn. Mà ngân sách của thành phố rót về cũng chỉ đủ dể bảo quản những cơ sở vật chất hiện có, chứ không thể đào đâu nguồn nào dể đầu tư cải tạo, xây mới. Ngay kinh phí để xây lại một số đoạn tường rào bị sập do cơn bão số 6 chúng tôi cũng gặp khó khăn.

 

Xung quanh chuyện xây bức tường rào cao quá khổ, ông Huỳnh Ngọc Hoàng, một người dân sống gần đó bức xúc: “Tôi không hiểu đó là công viên hay là gì nữa. Cổng thì luôn đóng kín mít, tường thì kiên cố khiến  chúng tôi là những người thường xuyên chạy bộ ở trong đó nhiều khi phải vạch bờ rào bằng thép B40 phía nhà hàng mới để chui vào. Theo tôi, đã gọi là công viên thì phải mở rộng cửa cho mọi người vào vui chơi giải trí chứ”.

 

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng đập bỏ bức tường rào kiên cố để Công viên 29/3 đón dân, nhưng vấn đề rơi vào im lặng. Ông Lê Ngọc Thuỷ cho biết: “Chuyện phá bỏ bức tường trước đây đã được đề cập đến. Bản thân thành phố cũng có ý kiến đập bức tường đi, nhưng cuối cùng cũng chỉ là văn bản… miệng, chờ mãi dài cả cổ. Vả lại, đập đi rồi thì lấy đâu ra nhân viên để bảo vệ tài sản trong đó và bảo đảm về mặt vệ sinh môi trường. Với lại, công viên  này cũng sắp chuyển cho đơn vị khác quản lý rồi”.

 

Một người dân khác là ông Nguyễn Sĩ Hiền nêu ý kiến: “Đã xây công viên thì phải cho ra một công viên. Trước đây vào các dịp lễ đều tổ chức các cuộc đua ghe rất ý nghĩa, nhưng giờ thì luôn bỏ trống. Việc thường xuyên  tổ chức các cuộc triễn lãm hội chợ ở đây nên chuyển sang một nơi khác, để có đất làm nơi vui chơi, giải trí đáp ứng nguyện vọng của mọi người”.

 

Không nằm ở ngay cửa ngõ Bắc-Nam của thành phố, nhưng có thể nói với phía đầu cổng của sân  bay Đà Nẵng, công viên 29/3 được coi là ở ngay vị trí cửa ngõ thứ 3 của thành phố, đón rất nhiều khách du lịch, trong đó có không ít khách quốc tế. Thiết nghĩ, việc xây một công viên đẹp để đáp ứng những nhu cầu về tinh thần của người dân là hoàn toàn chính đáng, và hơn nữa, để Đà Nẵng đẹp hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Lê Tấn Quỳnh