1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đã có việc làm vẫn lén xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Đã có chỗ làm mới, thậm chí đang nghỉ đẻ cũng nộp hồ sơ xin hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là “mánh” của không ít lao động, lợi dụng kẽ hở trong chính sách bảo hiểm để trục lợi cá nhân.

Thống kê từ Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVL Hà Nội), tính từ đầu tháng 2 đến 21/2/2012, trung tâm này đã tiếp nhận hơn 1.000 người lao động đến đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nâng tổng số đăng ký từ đầu năm đến nay lên hơn 2.500 người, tăng đến 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số hồ sơ đăng ký BHTN từ đầu năm đến nay, lao động làm việc ở các công ty TNHH vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 58%), tiếp đến là công ty cổ phần (hơn 21%).

Theo nhận định của cán bộ trung tâm, đây là số lượng tăng cao khá bất thường. Đáng chú ý, trung tâm đã phát hiện không ít trường hợp đã có chỗ làm mới, thậm chí trong thời gian nghỉ đẻ, nhưng vẫn cố tình lợi dụng kẽ hở trong quy định hưởng BHTN đến đăng ký với mục đích hưởng chế độ “oan”.

Đã có việc làm vẫn lén xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Từ đầu năm đến nay, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng cao bất thường. (Ảnh: TT)

Như trường hợp lao động tên Thanh, theo hồ sơ chỗ làm cũ, mức lương của anh này được trả 4 triệu đồng/tháng. Nếu hồ sơ của anh Thanh được chấp nhận, cơ quan bảo hiểm sẽ chi cho anh này khoản trợ cấp 6 tháng là 14 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế anh Thanh đã có việc làm mới. Như vậy, trường hợp này vừa đi làm lại vừa nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Trên thực tế, chắc chắn trường hợp như của anh Thanh không phải hiếm gặp. Bởi theo thống kê ở trung tâm, có tới 90% đơn xin BHTN đều có câu: Tự kiếm việc làm. Như vậy đa phần người xin BHTN chỉ quan tâm đến khoản tiền được nhận chứ không quan  tâm đến vấn đề giới thiệu việc làm và được giúp đỡ nâng cao tay nghề.

Hiện tượng này đang tồn tại nhưng đến nay Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa có thống kê cụ thể. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN - TTGTVL Hà Nội cho hay: Hiện cơ quan chức năng chưa có biện pháp xác minh các hồ sơ có thực sự thất nghiệp hay đã xin được việc rồi. Bà Loan kiến nghị: Nếu có thay đổi hoặc sửa đổi về chính sách BHTN cần có quy định rõ ràng hơn như người lao động do doanh nghiệp không sắp xếp được công việc mới được xác định thực sự thất nghiệp; các lý do chấm dứt hợp đồng khác như bị kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng... thì không nên giải quyết bởi sẽ gây khó cho doanh nghiệp, dẫn tới tâm lý tự tìm cách thôi việc, “nhảy việc” của người lao động.

Tuy cơ quan chức năng khẳng định khả năng vỡ quỹ BHTN rất khó xảy ra (bởi đây là quỹ bảo hiểm đặc thù, có khả năng điều chỉnh trong thời gian ngắn) nhưng cứ để tình trạng ngày càng nhiều lao động lợi dụng kẽ hở trục lợi thì khoản tiền thất thoát chắc chắn không nhỏ. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho người lao động đang thực sự bị rủi ro, thất nghiệp.
 

Thực tế đến thời điểm này, thị trường lao động tại Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp và nhu cầu việc làm không có nhiều chênh lệch. Trong phiên giao dịch vừa qua tại Hà Nội, có gần 400 lao động được tuyển dụng nhưng phần lớn ở trình độ ĐH, CĐ. Trong khi đó, nếu theo cơ cấu tuyển dụng về trình độ nghề, nhu cầu tuyển công nhân, lao động trực tiếp sản xuất chiếm tới 60% tổng số việc làm, mà 40% nhu cầu đó lại dành cho công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề, trung cấp nghề.

 P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm