1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động trình độ cao cũng... đăng ký trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - Riêng năm 2011 có tới 16.100 lao động đến đăng ký thất nghiệp (tăng gấp 3,8 lần so với năm 2010) trong đó có khoảng 10% có trình độ cao, thậm chí có cả người ở các vị trí quản lý.

Theo báo của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVL HN), nếu năm 2010 Hà Nội có gần 4.200 lao động đăng ký thất nghiệp thì chỉ trong 11 tháng của năm 2011, số lao động đăng ký thất nghiệp đã tăng lên 16.100, tức là gấp 3,8 lần so với năm trước.
 
Lý giải về sự động biến này, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL HN cho biết, năm nay thị trường lao động trên địa bàn thành phố có nhiều biến động do khủng hoảng kinh tế đã tác động đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Thị trường bị bó hẹp khiến số lượng đơn hàng giảm buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực.
 
Càng gần đến thời điểm cuối năm, số lao động thất nghiệp càng tăng. Thực tế, lao động đến đăng ký thất nghiệp rải rác từ quý III nhưng đã tăng đột biến từ tháng 10. Với tình hình này, dự báo trong năm tới số lao động thất nghiệp còn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành cũng là lý do khiến nhiều lao động của Hà Nội phải thôi việc, bỏ việc bởi không có điều kiện theo doanh nghiệp đến địa điểm mới. Chẳng hạn như Công ty Dệt 8-3 khi di dời đầu năm nay đã có hơn 1.000 lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp, Công ty Hanosimex khoảng 2.300 lao động, Công ty Cơ khí Hà Nội khoảng 300 lao động… Đáng chú ý, bên cạnh các đối tượng lao động phổ thông còn có khoảng 10% lao động trình độ cao, thậm chí có cả người nắm các vị trí quản lý cũng đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Số lao động này thường làm ở các dự án, tổ chức nước ngoài, lương cao nhưng áp lực lớn. Nhiều người mất việc khi dự án kết thúc, không tìm được việc làm mới” - ông Chính cho biết.
 
Lao động trình độ cao cũng... đăng ký trợ cấp thất nghiệp - 1

Số lao động đăng ký thất nghiệp năm 2011 tăng gần gấp 4 lần so với năm ngoái. (Ảnh: TT)

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội TTGTVL HN cho biết, để giúp người lao động thuận tiện trong việc giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm đã bố trí 8 địa điểm đăng ký và tiếp nhận hồ sơ giải quyết BHTN cho người lao động. Tuy nhiên, do quy trình để người lao động nhận được các quyền lợi về BHTN khá rườm rà về thủ tục do liên quan đến nhiều khâu, nhiều cơ quan đã gây khó cho người lao động. Bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH nói chung và BHTN nói riêng, càng gây khó khăn của người lao động trong quá giải quyết trợ cấp thất nghiệp.

Cũng theo đơn vị này, qua quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHTN của người lao động, đã dẫn đến thực tế quy định về đối tượng tham gia BHTN áp dụng đối với doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên không phù hợp và thiếu bình đẳng trong việc triển khai BHTN. Bởi trên thực tế, đây mới là nhóm đối tượng có khả năng mất việc làm cao.

Theo ông Chính để gỡ vướng cho BHTN cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật phù hợp, cụ thể: Bổ sung đối tượng tham gia BHTN là đối tượng ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở lên. Sửa đổi Điều 82, khoản 2 Luật BHXH theo hướng: Cứ mỗi năm (đủ 12 tháng đóng BHTN) khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc  người lao động được trợ cấp thất nghiệp 1 tháng tiền lương với mức trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lươn

TTGTVL HN thông tin, bắt đầu từ tháng 1/2012, Sàn giao dịch việc làm thành phố sẽ mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hàng tuần. Điều này có nghĩa số phiên giao dịch việc làm sẽ được tăng lên thành 4 phiên mỗi tháng, thay vì 3 phiên như hiện nay (ngày 10, 20 và 28 hàng tháng). Chỉ tiêu giải quyết việc làm mà thành phố giao cho năm 2012 là trên 140.000 lao động. Trong năm qua, ước tính bình quân mỗi phiên giao dịch việc làm của Sàn giao dịch có 415 lao động được các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng. 

P. Thanh