1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đã có 11 người chết do bão Durian

(Dân trí) - Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đến sáng nay, bão Durian đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương. Trong đó nặng nhất là khu vực đảo Phú Quý và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với 11 người chết, 3 người bị thương và hàng nghìn căn nhà bị sập, tốc mái.

Thiệt hại nặng nề do chủ quan 

Sau khi vào đảo Phú Quý (Bình Thuận) lúc 22 giờ đêm 4/11, bão Durian đã gây gió cấp 11, giật cấp 12. Bước đầu đã có 2 người chết (ở huyện Tuy Phong) do bị cây Thánh giá trong nhà thờ đổ vào người và 3 người bị thương trong khi đi tránh bão; 1.120 căn nhà bị sập và tốc mái; 22 điểm trường bị tốc mái; 3 cột ăng ten và nhiều cột điện lưới bị gãy đổ. Ngoài ra, sóng biển cũng đã đánh vỡ 70 chiếc tàu, 820 chiếc tàu nhỏ bị chìm (trong đó có 1 chiếc của bộ đội biên phòng).   

Dù có sự chuẩn bị trước nhưng hệ thống điện trên đảo Phú Quý bị hư hỏng nặng khiến toàn bộ đảo bị mất điện. Ngành điện lực đang cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. Hệ thống thông tin liên lạc trên đảo cũng bị hư hỏng nặng. Mọi liên lạc phải thực hiện qua hệ thống thông tin của quân đội. 

Vào 5 giờ sáng nay, bão cũng quét qua khu vực TPHCM, gây thiệt hại nặng nề. 10 ngôi nhà ở huyện Cần Giờ bị sập, 50 căn tốc mái. Một tàu chở 12 người bị chìm ở xã đảo Cần Thạnh, may mắn được lực lượng ứng cứu túc trực thường xuyên đưa đến nơi an toàn; một phương tiện gắn máy D24 (không số) bị chìm nhưng may mắn người an toàn. Hiện tại thành phố này chưa có thiệt hại về người do bảo gây ra.  

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nơi được xác định có bị ảnh hưởng của bão số 9 là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người với 9 người thiệt mạng và 500 căn nhà bị tốc mái. Lãnh đạo tỉnh đã tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả của bão. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, tỉnh Bà Rịa Vũng tàu có nhiều nhà bị tốc mái do địa phương đã chủ quan không chỉ đạo dân chằng chống nhà cửa. 

Tỉnh Bến Tre cũng có nhiều nhà đổ sập, hiện chưa thống kê được số lượng.

 

Tại cuộc họp giao ban qua cầu truyền hình của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương sáng nay,  Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nghiêm khắc phê bình tỉnh Bình Thuận về việc không cử lãnh đạo tỉnh ra đảo Phú Quý để chỉ đạo đối phó và khắc phục ngay hậu quả của bão.  

Bão chuyển hướng vào đồng bằng sông Cửu Long 

Đã có 11 người chết do bão Durian - 1
Hướng đi của bão số 9 theo dự báo của TTKTTV Trung ương sáng 5/12. (Bóng màu xanh là vùng tâm bão đi qua). 

Trước diễn biễn của bão số 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống bão do bão vẫn đang ở cường độ mạnh, cấp 10, cấp 11 và diễn biến phức tạp. “Đến thời điểm này có thể khẳng định trong những giờ tới bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng biển Tây Nam của Kiên Giang và Cà Mau.  

Với đặc điểm là một vùng đồng bằng rất bằng phẳng, các chuyên gia dự báo cho thấy, khi vào ĐBSCL, bão vào sẽ không gặp bất cứ vật cản nào nên có thể tiến nhanh và gây tổn thất lớn. “Việc cần làm hiện nay là phải tập trung cao độ các lực lượng đảm bảo an toàn cho dân, cho tàu thuyền vẫn còn đang hoạt động ở ven biển phía Đông Nam của Cà Mau và vùng biển Tây của Kiên Giang” - Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục khẩn trương di dời dân ở những khu vực bão dự kiến sẽ đi qua và phải hoàn thành trong sáng nay.

 

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương Bùi Minh Tăng, bão số 9 có những biến đổi liên tục trong chiều và tối qua. Bão đã không đi vào khu vực tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, Ninh Thuận như dự báo trước đó mà trượt dọc theo ven biển đến tận sáng nay rồi mới tiến vào khu vực ĐBSCL.

 

Bên cạnh đó, Nam Bộ cũng đang phải đối đầu một lúc với bão và triều cường. Theo cảnh báo, khi bão kết hợp với thủy triều có thể làm mực nước biển từ Bình Thuận đến Cà Mau dâng cao 3-4 m, sóng đánh cao 5-7 m. Bên cạnh đó, thủy triều cũng ngăn cản dòng thoát lũ từ đất liền ra biển.

Hiền Linh