Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những chàng trai, cô gái Nghệ An năm xưa xung phong lên Điện Biên với tâm thế sẵn sàng hi sinh để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày 24/4, tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Dự buổi gặp mặt có 150 cựu chiến binh, TNXP, dân công hỏa tuyến, đại diện cho những người con quê hương Nghệ An đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn - 1

Các cựu chiến binh Nghệ An tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Hoàng Lam).

70 năm về trước, Nghệ An là hậu phương vững chắc của chiến trường Điện Biên. Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên Nghệ An hăng hái tham gia nhập ngũ.

Mở đường ra trận, tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công, đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công.

Chỉ trong ngày mùng 1 Tết nguyên đán 1954, có 32.000 dân công tỉnh Nghệ An, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, TNXP, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến.

Gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP Điện Biên Phủ (Video: Hoàng Lam).

Cùng với quân và dân cả nước, quân dân Nghệ An đã có đóng góp quan trọng, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu".

70 năm trôi qua, những chàng trai, cô gái năm xưa nay đã ở tuổi 90, mắt mờ, chân chậm nhưng khí thế những ngày ra trận vẫn bừng lên mỗi khi được nhắc tới.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn - 2

70 năm trôi qua, những chàng trai, cô gái năm xưa nay đã ở tuổi 90 (Ảnh: Hoàng Lam).

Tháng 10/1953, ông Phạm Ngọc Hòa (xã Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An) khi đó mới 17 tuổi. Trước yêu cầu chi viện sức người, sức của cuộc kháng chiến chống Pháp, lớp lớp người dân Nghệ An hăng hái xung phong lên đường.

"Xóm tôi có 50 người xung phong tham gia lực lượng thanh niên xung phong nhưng chỉ chọn được 4 người, trong đó có tôi. Tôi tham gia mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm ở đèo Pha Đin - tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men ra chiến trường Điện Biên", ông Hòa chia sẻ.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn - 3

Các cựu chiến binh, cựu TNXP chia sẻ tại buổi gặp mặt (Ảnh: Hoàng Lam).

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (96 tuổi, nguyên bộ đội Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) nhớ lại: "Khi đó tôi 26 tuổi, còn độc thân, quyết tâm ra đi, hăng hái lắm. Mất thì chả mất gì cả, mình hi sinh nhưng được thì được cả giang sơn, được Tổ quốc, cái được là rất lớn".

Trong muôn vàn hiểm nguy, gian khó, thiếu thốn, với những đôi chân trần và chí thép, những người con xứ Nghệ đã hòa mình vào cuộc chiến, góp phần đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn - 4

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn: Mình hi sinh nhưng được cả giang sơn, Tổ quốc... (Ảnh: Hoàng Lam).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ xúc động khi được gặp và cảm nhận tinh thần hăng hái ra trận từ 150 đại biểu đại diện chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt tại đây.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu bày tỏ tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, các thế hệ TNXP, dân công hỏa tuyến đã đóng góp tuổi xuân, xương máu để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, cũng như các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: Mình hi sinh để được cả giang sơn - 5

Lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An tặng hoa tri ân các đại biểu cựu chiến binh, TNXP Điện Biên Phủ (Ảnh: Hoàng Lam).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, bảo đảm 100% người có công, gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.