Cựu binh Mỹ kéo vĩ cầm xoa dịu nỗi đau thảm sát Sơn Mỹ
(Dân trí) - Tiếng vĩ cầm của cựu binh Mike Boehm vang lên với mong muốn xoa dịu nỗi đau mà người dân ở mảnh đất Sơn Mỹ phải gánh chịu, tại lễ tưởng niệm 504 nạn nhân bị lính Mỹ sát hại 55 năm trước, sáng 16/3.
Sáng 16/3, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 55 năm ngày 504 thường dân vô tội bị lính Mỹ sát hại (16/3/1968 - 16/3/2023). Buổi lễ được tổ chức tại khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng người dân xã Tịnh Khê và nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp nơi đến tham dự lễ tưởng niệm. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân (hàng đầu, áo trắng) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương trước tượng đài thảm sát Sơn Mỹ.
Sau ngày đất nước hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau để mở rộng vòng tay bao dung. Người dân Sơn Mỹ đã chân tình đón tiếp những cựu binh Mỹ tìm về để họ đối diện với sự thật, đối diện với chính mình.
Sau nhiều năm bị gián đoạn, năm nay, cựu binh Mỹ Mike Boehm cùng đoàn đã đến dự lễ tưởng niệm. Những người Mỹ cúi đầu dâng hương tưởng niệm linh hồn người đã mất. Trong ảnh, Mike Boehm mặc áo dài, khăn đóng đang dâng hương.
Mỗi lần đến Sơn Mỹ, Mike Boehm lại chơi một bản nhạc bằng cây violin cũ. Thông qua tiếng vĩ cầm, Mike Boehm muốn gửi gắm thông điệp về sự mất mát, nỗi đau của chiến tranh. Tiếng vĩ cầm cất lên ở nơi 504 thường dân bị sát hại như mong muốn xoa dịu nỗi đau mà người dân ở mảnh đất Sơn Mỹ phải gánh chịu.
Mike Boehm luôn trăn trở với những đau thương do chiến tranh để lại. Vì thế, từ hơn 30 năm qua, Mike Boehm đã nhiều lần đến Việt Nam, tìm về Quảng Ngãi để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Ông Mike Boehm trở lại Việt Nam để giúp phụ nữ, học sinh nghèo. Ông kêu gọi quyên góp và trao tặng nhiều phần quà, nhà tình nghĩa tại Quảng Ngãi.
Ông Mike Boehm chia sẻ việc tham gia vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam là một sai lầm. Những gì mà lính Mỹ gây ra tại Việt Nam là một nỗi đau mà ông không thể nào quên. "Tôi muốn trở lại Việt Nam để xây dựng hòa bình, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh", ông Mike Boehm nói thêm.
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng ngay tại nơi đã diễn ra cuộc thảm sát 55 năm về trước.
Nơi đây gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân. Gần nửa thế kỷ qua, khu Chứng tích Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến của khát vọng hòa bình.
Khu chứng tích hiện đang trưng bày bộ ảnh do ông Ronald L.Haeberle ghi lại cuộc thảm sát kinh hoàng. Những hình ảnh này đã được ông Ronald L.Haeberle công bố trên Tạp chí Life (Mỹ) vào năm 1969. Sự việc đã gây chấn động toàn thế giới vào thời điểm đó.