Khoa học ghi lại hành vi bất ngờ ở chuột
(Dân trí) - Một phát hiện thú vị gần đây đã chỉ ra rằng chuột có thể cố gắng "hồi sức" đồng loại bị rơi vào tình trạng bất tỉnh.

Chuột có hành vi kỳ lạ, tựa như "hồi sức" cho đồng loại bị bất tỉnh (Ảnh: Science).
Hành vi giúp đỡ đồng loại từng xuất hiện ở nhiều loài động vật. Trong đó, các động vật bậc cao như voi, tinh tinh hay cá heo... đã được quan sát thể hiện hành vi chăm sóc khi một cá thể trong nhóm gặp nạn. Những hành vi này có thể bao gồm chạm vào, chải chuốt hoặc thậm chí đánh nhẹ để kích thích phản ứng.
Tuy nhiên, việc xác định động cơ thực sự đằng sau những hành vi này vẫn là một thách thức đối với giới khoa học.
Một phát hiện thú vị gần đây đã chỉ ra rằng ngay cả một loài động vật nhỏ bé thuộc họ gặm nhấm như chuột cũng có hành vi "hồi sức" đồng loại của chúng nếu nạn nhân rơi vào tình trạng bất tỉnh.
Để mô phỏng tình huống, các nhà khoa học đã đặt 2 con chuột thí nghiệm vào cùng một lồng kín. Trong đó, một cá thể bị gây mê và gần như không có phản hồi.
Các đoạn phim ghi lại cho thấy con chuột còn lại thể hiện một loạt hành vi, từ những cử chỉ nhẹ nhàng như đánh hơi, chải chuốt đến những hành động mạnh mẽ hơn như cắn và kéo lưỡi đồng loại. Trong đó, hành vi kéo lưỡi con chuột bất tỉnh gợi nhớ đến các biện pháp sơ cứu ở người.
Đáng chú ý, những hành động này không xuất hiện khi con chuột kia đang hoạt động hoặc ngủ, mà chủ yếu xảy ra khi chúng bất tỉnh.
Video ghi lại hành vi bất ngờ ở chuột (Nguồn: Science).
Trong các tương tác kéo dài trung bình 13 phút, chuột dành hơn 47% thời gian để cố gắng kích thích cá thể bị hôn mê, so với chỉ 5,8% thời gian dành cho bản thân. Đặc biệt, trong hơn 50% số lần, chuột đã thành công kéo lưỡi đồng loại - một hành vi có thể giúp mở thông đường thở.
Trong một thử nghiệm khác, khi các nhà nghiên cứu đặt vật lạ vào miệng con chuột bất tỉnh, những con chuột "cứu hộ" đã thành công loại bỏ vật lạ đó trong 80% số lần thử.
Những cá thể chuột nhận được sự "hồi sức" từ đồng loại cũng có thời gian tỉnh dậy nhanh hơn và lấy lại khả năng di chuyển sớm hơn so với những con không nhận được sự chăm sóc. Điều này cho thấy rằng những hành vi này không chỉ là phản xạ ngẫu nhiên mà có thể mang lại hiệu quả thực sự.
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Phản ứng khẩn cấp giống như hồi sinh và sự hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm có thể là một hành vi bẩm sinh phổ biến ở các loài động vật xã hội". Điều này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết nhóm mà còn có thể góp phần nâng cao tỷ lệ sống sót của chúng trong tự nhiên.