DMagazine

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM

(Dân trí) - Một năm bị bóng đen Covid-19 bao phủ, TPHCM chứng kiến sự ra đi của hơn 20.000 người. Con số này trở thành ký ức bi tráng trong cuốn nhật ký gồng mình chống đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất.

Sau một năm bị bóng đen Covid-19 bao phủ, TPHCM chứng kiến sự ra đi của hơn 20.000 người, đà tăng trưởng của nền kinh tế TPHCM sụt giảm mạnh do thời gian giãn cách kéo dài. Tất cả những con số ấy trở thành trang buồn của cuốn nhật ký một năm toàn địa bàn gồng mình chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay.

Những ngày trước Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, người dân TPHCM trải qua quãng thời gian gần với "bình thường" nhất từ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra. Với việc số ca mắc Covid-19 giảm sâu, số người tử vong do đại dịch đã tiệm cận mức "gần như không có", toàn địa bàn đã tự tin để mở lại hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong những bài phát biểu tổng kết cuối năm 2021, các lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM nhiều lần bày tỏ, việc thành phố có được những thành quả chống dịch như hiện tại là điều "không thể nghĩ tới" trong một vài tháng trước đó. Cuốn nhật ký về những ngày TPHCM căng mình chống đợt bùng phát dịch Covid-19 có quá nhiều điều để nhắc lại, để ngẫm nghĩ, hồi tưởng, chia sẻ và tri ân.

Bên cạnh đau thương, mất mát, tổn thất mà dịch Covid-19 đem lại, người dân thành phố không thể quên những ngày tháng cả nước hướng về TPHCM, những sự chung tay, hình ảnh cao đẹp hiện hữu ngay trong điểm nóng của dịch bệnh.

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 1

TPHCM bị bao phủ bởi bóng đen dịch Covid-19 trong năm 2021 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trang nhật ký đầu tiên

Với đặc điểm là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, TPHCM bắt đầu năm 2021 với hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu cao về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy. Trong thực tế, địa phương này đã đạt nhiều kết quả khả quan trong quãng thời gian 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, mọi dự tính, kế hoạch đã phải thay đổi trong nửa cuối quý II, khi những tác động đầu tiên của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã xuất hiện. 

Ngày 29/4, TPHCM ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ở quận Bình Tân. Hơn nửa tháng sau, ngày 18/5, lực lượng y tế tiếp tục phát hiện 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Tối muộn 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) bất ngờ bị căng dây phong tỏa. Toàn bộ nhân viên phía trong được yêu cầu ở yên tại chỗ để lấy mẫu xét nghiệm do liên quan đến ca mắc Covid-19 được xác định là điểm khởi đầu một chuỗi siêu lây nhiễm trên toàn địa bàn.

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 2

Tòa nhà tại quận Phú Nhuận liên quan đến ca mắc Covid-19 được xác định là khởi đầu của chuỗi siêu lây nhiễm.

Những ngày cuối tháng 5, TPHCM - đô thị sôi động nhất cả nước, trở thành tâm dịch Covid-19. Thời điểm ấy, bầu không khí của một thành phố náo nhiệt được bao phủ bởi sự gấp gáp của tiếng còi xe cấp cứu hú bất kể ngày đêm, bóng áo bảo hộ xanh - trắng xuất hiện trên mọi ngõ, hẻm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại địa phương và các tỉnh, thành trên cả nước UBND TPHCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn địa bàn và Chỉ thị 16 tại điểm nóng dịch bệnh là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, trong vòng 2 tuần kể từ ngày 30/5.

Trong buổi làm việc cuối năm với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ, bất kỳ quyết định giãn cách xã hội nào được đưa ra đều rất khó khăn và cần cân nhắc kỹ. Khi phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 hồi đầu tháng 5, dịch Covid-19 đã "ung thư và di căn" ở nơi khác từ lâu.

Do đó, TPHCM đã áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn và Chỉ thị 16 tại một số khu vực nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các tác động tới các hoạt động xã hội.

Cuối tháng 5, người dân tại thành phố sôi động nhất cả nước bắt đầu bước vào quãng thời gian kìm nén lại mọi hoạt động, hạn chế nhu cầu cá nhân để cùng vượt qua thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh gây ra. Có lẽ, thời điểm ấy, ít ai ngờ, quãng thời gian giãn cách xã hội của TPHCM lại kéo dài đến vậy.

Những ngày "chờ chỉ thị mới"

Sau đợt giãn cách đầu tiên, "vết xước" do dịch Covid-19 gây ra cho Sài Gòn trong đợt bùng phát dịch thứ 4 dần loang rộng, ăn sâu, khiến vết thương lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Từ một địa phương an toàn trước dịch bệnh, thành phố có tỷ lệ lây nhiễm vượt xa mốc an toàn chỉ sau hơn nửa tháng.

Với việc đẩy công suất xét nghiệm lên cao, số ca mắc mới của TPHCM tăng dần, phù hợp với nhận định dịch bệnh đã thâm nhập sâu, trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc mới mỗi ngày ở thành phố có thời điểm ở mức 5.000-6.000 trong tháng 9.

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 3

Cuối tháng 5, người dân TPHCM bắt đầu quãng thời gian giãn cách xã hội kéo dài (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong quãng thời gian đầu đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, TPHCM đã áp dụng biện pháp xét nghiệm khẳng định PCR tìm F0 với quy mô lớn. Có lúc, ngành y thành phố đặt mục tiêu lấy đến 500.000 mẫu/ngày.

Dù lực lượng nhân viên y tế được huy động hết công suất để phục vụ công tác xét nghiệm, tuy nhiên, năng lực trả kết quả chỉ đạt được khoảng vài chục nghìn mẫu. Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, thời điểm ấy, dù các hoạt động được triển khai tích cực, nhưng vũ khí chiến đấu của địa bàn còn chưa phù hợp. 

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 4

Với việc đẩy công suất xét nghiệm lên cao, số ca mắc mới của TPHCM ngày càng tăng cao (Ảnh: P.N.).

Khi nhìn lại quãng thời gian này, ông Nguyễn Văn Nên, chia sẻ, đó là những ngày tháng "khốc liệt, anh hùng, chưa từng có". Thời điểm trên, thành phố chưa có thuốc điều trị, chưa có nhiều vaccine Covid-19, việc duy nhất có thể thực hiện là tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.

"Tất cả những yếu tố đó tạo ra những ngày có mức độ căng thẳng rất lớn. Chúng ta ngăn chặn nguồn lây, bóc tách F0 mà không biết làm gì đối với họ", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Sau những đợt gia hạn giãn cách, tăng dần cấp độ, từ ngày 23/8, người dân sinh sống tại TPHCM trải qua những ngày lặng lẽ nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4. Mọi hoạt động của thành phố cần tạm dừng sau 18h, chỉ một số nhóm đối tượng được ra đường trong khung giờ còn lại, toàn địa bàn áp dụng triệt để nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đấy".

Sau hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ, ngày 30/9, TPHCM đã chính thức công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Các chốt kiểm soát dịch bệnh bên trong nội đô được dỡ bỏ, thành phố bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trang buồn của cuốn nhật ký

Những ngày đau thương nhất, TPHCM cũng chứng kiến hàng nghìn người không có người thân bên cạnh trong những giây cuối đời, những đám tang trong vội vã, những sự bất lực đến từ cả thân nhân lẫn đội ngũ y tế trước cơn càn quét của đại dịch.

Sau một năm bị bóng đen Covid-19 bao phủ, TPHCM chứng kiến sự ra đi của hơn 20.000 người. Đà tăng trưởng của nền kinh tế TPHCM sụt giảm mạnh do thời gian giãn cách kéo dài. Tất cả những con số ấy trở thành trang buồn của cuốn nhật ký một năm toàn địa bàn gồng mình chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay.

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 5

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

"Năm tháng sẽ qua đi, những cam go, khốc liệt của đại dịch cũng sẽ dịu lại, nhưng hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu, lực lượng chi viện thành phố sẽ còn mãi", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại Lễ tuyên dương Đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong quãng thời gian chịu tác động nặng nề của làn sóng thứ 4 dịch Covid-19, TPHCM nhận được sự hỗ trợ từ 132 đơn vị thuộc bộ, ngành, Trung ương cùng các tỉnh, thành bạn. Gần 30.000 nhân viên chiến sĩ, quân y, nhân viên y tế đã quên mình lao vào tâm dịch và không hẹn ngày về.

Cùng với lực lượng quân đội, công an, hàng ngàn cán bộ, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tại các địa bàn dân cư đã ngày đêm lập lên những lá chắn sống, sẵn sàng đối diện nguy hiểm để giữ vững sự bình yên cho người dân. Trong số đó, không ít người đã phải ngã xuống trong trận chiến đầy khốc liệt với dịch bệnh.

Trong đoàn người tiến vào điểm nóng dịch Covid-19 tại phía Nam, có những người không thể về chịu tang khi bố, mẹ qua đời, có người hoãn lại hạnh phúc riêng để làm nhiệm vụ. Với họ, nỗi đau lớn nhất thời điểm này là không thể cứu được đồng bào…

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 6

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng vạn gia đình tại TPHCM đã mất đi người thân (Ảnh: Nguyễn Quang).

Những con số, ngôn từ không thể đong đếm hết những mất mát, đau thương mà TPHCM đã phải trải qua trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Những sự tri ân cũng không thể bộc lộ hết sự biết ơn của người dân thành phố đối với những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp mà cả nước đã dành tặng, hướng về vào thời điểm nóng nhất của dịch Covid-19.

Trong giai đoạn dài chống lại sự tàn phá của đại dịch chưa từng có tiền lệ, những bất cập, hạn chế là điều không thể tránh khỏi đối với TPHCM. Quan trọng nhất, những điều cả đúng và chưa đúng sẽ là bài học quý báu cho thành phố cùng cả nước trong quãng thời gian phòng, chống dịch Covid-19 tiếp theo.

Những ngày cận Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, TPHCM tiếp tục đối mặt với biến chủng Omicron với sự lây lan khó lường, thách thức cả những nền y học của nhiều nước tiên tiến trên thể giới. Chùm lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng đã xuất hiện tại địa phương những ngày đầu năm 2022 dương lịch.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của những ngày tháng căng thẳng chống lại biến chủng Delta, thành phố đã kịp thời khoanh vùng, ngăn chặn nguồn lây ngay từ những trường hợp đầu tiên. TPHCM đã đủ tự tin để bước sang năm 2022 với niềm tin sẽ khống chế được đại dịch, chuẩn bị tâm thế cho ngày chuyển trạng thái sang "bình thường mới".

"Biến đau thương thành hành động" là thông điệp TPHCM đã gửi lại những ngày vất vả, khốc liệt, đau thương đã qua. Đây cũng là lời cam kết, khẳng định của Đảng bộ, chính quyền thành phố về việc quyết tâm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đưa thành phố quay lại nhịp phát triển vốn có.

Cuốn nhật ký bi tráng về một năm gồng mình chống dịch Covid-19 của TPHCM - 7

Nội dung: Quang Huy