1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Cuối tuần này diễn ra mưa sao băng

(Dân trí) - Trận mưa sao băng South Delta Aquarids sẽ diễn ra từ ngày 12/7 đến ngày 23/8, đạt cực điểm trong hai ngày 28 và 29/7.

Người yêu thiên văn Việt Nam cuối tuần này có cơ hội quan sát một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm - trận mưa sao băng South Delta Aquarids - kéo dài suốt từ 12/7 đến 23/8 nhưng đạt cực điểm trong hai ngày 28 và 29/7.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn Việt Nam (VACA), mưa sao băng Nam Delta Aquarids là một trận mưa sao băng cỡ trung bình, với mật độ khoảng 15 tới 20 sao băng mỗi giờ. Trận mưa sao băng được đặt tên theo tên của chòm sao tâm điểm của nó: Aquarius (Bảo Bình). Tuy trong thời gian cực điểm của trận mưa sao băng này có trăng, tuy rất sáng nhưng sẽ lặn vào khoảng 1h sáng, trong khi khoảng 3h rạng sáng ngày 28 mới là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này.

Để quan sát, bạn không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ nào, chỉ cần sử dụng mắt thường, chọn nơi có góc nhìn rộng, ít ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt. Chọn tư thế quan sát sao cho mắt luôn hướng lên bầu trời (nằm ngửa, ngả lưng trên ghế dài ...) để quan sát. 

Hãy nhìn lên bầu trời cao trên đầu bạn, chếch về hướng Nam, bạn sẽ thấy chòm sao Aquarius với các ngôi sao khá sáng như hình dưới, đó là tâm điểm của trận mưa sao băng này. Tất nhiên, đừng quên quan sát thời tiết vì bạn chỉ có thể nhìn thấy sao băng nếu trời không mây hoặc mưa.

Cuối tuần này diễn ra mưa sao băng

Theo ông Sơn, vì đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình, nên bạn sẽ cần khá kiên nhẫn để quan sát được các sao băng của nó. Phải đế giữa tháng 8, người yêu thiên văn mới được chứng kiến trận sao băng Perseids, được đánh giá là lớn nhất trong năm.

Mưa sao băng xuất hiện do trái đất đi vào vùng bụi vốn là tàn dư của những sao chổi. Những hạt bụi có kích thước khác nhau lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn tạo ra các sóng xung kích. Sóng xung kích nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ C và bốc cháy, tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100 km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm