1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Cuộc sống khốn đốn của người dân sống gần trạm thu phí Bến Thủy

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh, đã phải lên tiếng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại mức phí mà Cienco4 thu của người dân, cũng như việc di dời 2 trạm thu phí Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 đến một địa điểm phù hợp hơn. Vì sao?

Cận cảnh cuộc sống người dân ven bờ sông Lam tiêu điều, khốn đốn vì trạm thu phí Bến Thủy.

Thua lỗ, phá sản, mất tình cảm vì trạm thu phí

11h20 ngày 2/10, nhóm PV Dân trí có mặt tại nhà hàng Việt Hoa, nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cách 2 cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 bắc qua sông Lam chưa đầy 2km. Dù là giờ cao điểm ăn trưa nhưng toàn bộ khu nhà hàng đặc sản cơm gà lá giang nổi tiếng một thời này vắng hoe, không có lấy một bóng khách. Cả chủ và nhân viên mặt buồn thiu, chỉ còn biết ngồi... ngáp vặt.


Cửa hàng vắng tanh, nhân viên chỉ biết ngồi chơi uống nước.

Cửa hàng vắng tanh, nhân viên chỉ biết ngồi chơi uống nước.

Ông Phạm Xuân Dinh, chủ nhà hàng cho biết, thực trạng này đã kéo dài cả năm nay, và nếu không có sự thay đổi nào thì chắc chắn cửa hàng của ông không còn cách nào khác là phải đóng cửa trong nay mai.

“Nhà hàng của tôi trước đây là đông khách vào loại số 1 ở mảnh đất thị trấn Xuân An này. Gần như trưa nào cũng có vài ba chục lượt ô tô ghé ăn cơm, khách hàng chủ yếu là bên kia cầu Bến Thủy (TP Vinh). Nhưng hơn một năm nay, quán chỉ èo uột khách, chủ yếu là đam mê với nghề nên hoạt động cầm chừng. Tiền thu không bù được thuế, chi phí lương thưởng cho nhân viên, điện nước… Nếu không có sự thay đổi nào thì chắc chắn tôi phải đóng cửa hàng”- ông Dinh xót xa nói.

Ông Dinh cho biết, nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhà hàng không còn cách nào khác là phải đóng cửa.
Ông Dinh cho biết, nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhà hàng không còn cách nào khác là phải đóng cửa.

Theo ông Dinh, nguyên nhân chính dẫn đến nhà hàng của ông nói riêng và người kinh doanh buôn bán trên địa bàn huyện Nghi Xuân rơi vào thực trạng thảm hại nêu trên là do các Trạm thu phí Bến Thủy của nhà đầu tư Cienco 4. Trước đây, với chỉ mức giá 20-40 ngàn đồng cả hai chiều đi - về, nhà hàng của ông Dinh luôn đón lượng khách rất lớn. Nay để đến nhà hàng của ông, người dân bên kia bờ sông Lam phải đóng khoản phí đi lại 90.000, đắt hơn cả một bữa cơm.

“Chỉ cần một tốp 7 người đi trên 5 xe ô tô, khoảng cách chỉ 4-5 km từ bên Vinh qua đây ăn cơm, hết khoảng 1 triệu đồng tiền cơm thì họ phải chịu thêm 450.000 đồng chi phí cho trạm thu phí Bến Thủy. Tiền đi đường đã gần bằng một nửa tiền chi phí ăn uống, ai mà không xót. Không có khách đương nhiên là phá sản thôi”- ông Dinh nói.

Ông Đinh Sỹ Hoàng, chủ một doanh nghiệp đa ngành nghề ở thị trấn Xuân An, nằm trong Ban trị sự của Hiệp hội doanh nghiệp Nghi Xuân cũng rất bức xúc trước những thiệt hại của người dân, doanh nghiệp do những nghịch lí từ Trạm thu phí Bến thủy gây ra.

“Trước đây, thị trấn Xuân An (đầu cầu Bến Thủy về phía nam) là một khu vực khá sầm uất, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ ven đô cho thành phố Vinh; giá đất ở hai bên cầu Bến Thủy gần như tương đương nhau, nhưng từ khi có trạm thu phí Bến Thủy và nhất là khi tăng giá vé, các dịch vụ ở đây giảm dần, giá đất ở thị trấn Xuân An chỉ còn bằng phân nửa hay hai phần ba giá đất ở bên kia sông, đô thị gần như không phát triển”- ông Hoàng nói.

Anh Đinh Sỹ Hoàng cho biết, những vấn đề do Trạm thu phí Bến thủy gây ra khiến giá đất đai 2 bên bờ sông chênh lệch hoàn toàn.
Anh Đinh Sỹ Hoàng cho biết, những vấn đề do Trạm thu phí Bến thủy gây ra khiến giá đất đai 2 bên bờ sông chênh lệch hoàn toàn.

Nếu người kinh doanh đứng trước nguy cơ phá sản, mà như người dân thị trấn Xuân An cho biết là đang "chết lâm sàng", thì công chức nhà nước ở hai bên bờ sông Lam công tác ở bên đối diện còn chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép.

Dù không sử dụng bất kỳ một trong 5 công trình BOT nào của Cienco, trong khi cầu Bến Thủy 1 – nơi đặt 1 trong hai Trạm thu phí Bến Thủy- do nhà nước bỏ tiền thi công từ hai thập niên trước, thì mỗi tháng những cô giáo như cô Trần Thị Xuân Dinh, Nguyễn Vĩnh An, trường PTTH Nguyễn Trãi, thị trấn Nghi Xuân vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư này số tiền lên đến 900.000 đồng (vé tháng), bằng 1/5 tiền lương mà các cô nhận được.

Cô Nguyễn Vĩnh An cho rằng, người dân Nghi Xuân không đi một km nào đường BOT nhưng phải oằn mình chịu phí.
Cô Nguyễn Vĩnh An cho rằng, người dân Nghi Xuân không đi một km nào đường BOT nhưng phải oằn mình chịu phí.

“Đồng lương của giáo viên chúng tôi còn lo bao nhiêu thứ, thế mà phải trích từ 1/5-1/6 để lo chi phí qua cầu. Nhiều cô đi đi lại lại ngày mấy lượt, xót của nên nhiều buổi trưa ở lại luôn tại trường. Không về nhà thì không chăm sóc được đầy đủ cho chồng con, cho bố mẹ, nên tình cảm gia đình lắm lúc căng thẳng”- cô giáo Nguyễn Vĩnh An bức xúc.

Tuy nhiên, đề nghị trên hiện vẫn chưa được xem xét thấu đáo.

Khổ và khiếu kiện sẽ còn kéo dài

Trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho người dân các huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Can Lộc, ngày 2/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi liên Bộ Tài chính, Giao thông vận tải tính toán để di dời điểm thu phí tại cầu Bến Thủy cho phù hợp với thực tế các công trình BOT mà Cienco 4 đã triển khai, đồng thời xem xét giảm 20-30% mức phí qua các trạm thu phí Bến Thủy cho người dân, đặc biệt là giảm 60% mức phí cho người dân, cán bộ công chức của các huyện ảnh hưởng trực tiếp là Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Đức Thọ.

Trạm thu phí Bến thủy
Trạm thu phí Bến thủy

Đề nghị trên của Chủ tịch tỉnh là hợp lí, xuất phát từ thực tế khó khăn của người dân cũng như những nghịch lí, vô lí mà người dân các địa phương nói trên phải gánh chịu đối với các trạm thu phí Bến Thủy suốt thời gian qua.

“Không phải là chủ trì tại địa phương mà cục bộ, lên tiếng. Nhưng thực tế việc người dân huyện Nghi Xuân phải trả tiền cho cùng một lúc cho 5 công trình BOT, trong đó có 3 công trình nằm trên đất Nghệ An là hết sức vô lí. Vô lí hơn là người dân người ta không sử dụng, không đi lại trên các công trình BOT của nhà đầu tư này nhưng vẫn phải đều đặn trả phí, nên nhớ không phải một vài năm mà suýt soát đến 20 năm nữa cơ đấy”- ông Báu Hà - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân - nói.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, hai trạm thu phí Bến thủy 1, Bến Thủy 2 đang là một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của huyện Nghi Xuân và cả TP Vinh, không phù hợp với Quy hoạch vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011.

Kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận được sự đồng thuận của người dân, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, kiến nghị trên là khó khả thi.

Căn cứ theo nội dung bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Hà ngày 22/9/2016 do Chánh văn phòng bộ Nguyễn Trí Đức ký hôm 29/9, việc di dời trạm thu phí là không thể trong bối cảnh cả chủ đầu tư lẫn nhà nước đều gặp khó khăn, và đặc biệt là những cơ sở pháp lí là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước thẩm quyền với Cienco, nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT.

Đáng chú ý, ngoài việc yêu cầu Cienco 4 khẩn trương phương án giảm giá vé (điều mà gần như hiện chỉ còn Cienco 4 và một vài nhà đầu tư khác chưa thực hiện) theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT chỉ nêu giải pháp "mong Hà Tĩnh tuyên truyền cho người dân khu vực trạm thu phí được rõ và có sự sẻ chia vì việc điều chỉnh vị trí trạm thu phí vào lúc này là khó khả thi và rất phức tạp!”.

Như vậy, tiếng nói của người đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, cũng là nguyện vọng của hầu hết người dân của nhiều huyện thị ven bờ nam sông Lam chịu ảnh hưởng nặng nề từ trạm thu phí Bến Thủy vẫn chưa có lời giải trong ngay ngày một ngày hai. Và như thế, những khó khăn, khốn đốn cũng như những khiếu kiện, bức xúc của dân cũng vẫn chưa có hồi kết…

Văn Dũng - Xuân Sinh