1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

50 năm đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam:

Cuộc chiến đấu ở “cửa ngõ” miền Bắc

(Dân trí) - Suốt dọc bờ biển từ Nam ra Bắc, tàu Ma-đốc nghênh ngang cách bờ 3 hải lý. Mặc dù đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền của ta nhưng sau đó, Mỹ lại dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

Cuộc chiến đấu ở “cửa ngõ” miền Bắc
Cựu chiến binh Hải quân Lê Anh Tài hồi tưởng lại tình hình chiến sự đầu tháng 8/1964 tại khu vực Cảng sông Gianh - cửa ngõ Miền Bắc, là một trong những khu vực đầu tiên bị Mỹ sử dụng máy bay và tàu chiến bắn phá sau "sự kiện Vịnh Bắc Bộ".

Căn nhà khang trang ở trị trấn Xuân An (Hà Tĩnh) lồng lộng gió từ ngoài sông thổi vào. Mái tóc đã bạc trắng nhưng người cựu binh ấy vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. 84 tuổi đời, gần 30 năm phục vụ trong ngành Hải quân, những ký ức về chiến thắng trận đầu 50 năm trước vẫn vẹn nguyên trong người cựu binh Lê Anh Tài.

Lê Anh Tài nguyên là lính radar tham gia công tác tham mưu tác chiến trên bờ thuộc Chỉ huy Sở tiền phương của lực lượng Hải quân đóng sông Gianh (Quảng Bình). Đơn vị có nhiệm vụ quản lý hệ thống bờ biển từ Thanh Hóa vào Bình - Trị - Thiên. Nhiệm vụ của anh lính Lê Anh Tài là thông tin trợ lý tác chiến theo dõi biệt kích của Mỹ - chính quyền Sài Gòn để ngăn chặn chúng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

“Thời đó, tàu chính quyền Sài Gòn được tàu Mỹ hộ tống nên thường xâm phạm ra vùng biển miền Bắc rồi thả biệt kích, thám báo lên bờ. Các toán biệt kích từ biển được đổ bộ lên bờ rồi đánh phá cầu đường nhằm phá hoại, ngăn cản tiếp tế từ Bắc vào Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện các tàu thuyền này để các lực lượng phối hợp đánh đuổi trước khi chúng đổ bộ được lên bờ”, ông Tài nhớ lại.

Từ ngày 31/7, lính radar phát hiện ra một điều bất thường trong đường hộ tống của tàu Mỹ. Con tàu khu trục mang tên Ma-đốc đi dọc bờ biển từ phía Nam ra. Khoảng cách giữa tàu và bờ chỉ 3 hải lý. Sau khi vượt qua vĩ tuyến 17 - giới tuyến phân định 2 miền Nam - Bắc, con tàu tiếp tục di chuyển sâu hơn vào vùng biển do miền Bắc quản lý, liên tục có những hành động khiêu khích, bắn phá tàu đánh cá của ta trên biển.

Cuộc chiến đấu ở “cửa ngõ” miền Bắc
"Dù vũ khí, phương tiện của ta không bằng địch nhưng ta có cái mà địch không bao giờ có, đó là lòng quả cảm và tinh thần cảm tử vì độc lập dân tộc".

"Việc tàu Ma - đốc di chuyển cách bờ biển miền Bắc 3 hải lý rõ ràng đã xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của ta. Tuy nhiên, phía ta vẫn kiềm chế, theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của tàu Ma-đốc. Khi chúng đi sâu vào vùng biển do miền Bắc quản lý tại Lạch Trường (Thanh Hóa), đơn vị hải quân ở đây được lệnh đánh đuổi tàu Ma-đốc ra khỏi thềm lục địa”, ông Tài kể.

Ngày 1/8/1964, phân đội tàu phóng lôi của lực lượng Hải quân đóng ở Lạch Trường được lệnh xuất kích ra đánh tàu Ma-đốc. Phân đội gồm 3 tàu, mỗi tàu được trang bị 2 quả ngư lôi. Khi 3 tàu phóng lôi tiếp cận thì hỏa lực trên tàu Ma-đốc khai hỏa. Trên đầu, máy bay Mỹ cũng oanh tạc dữ dội để yểm trợ. Cuộc chiến đấu kéo dài đến chiều ngày 2/8. Hai quả ngư lôi được lệnh nhằm vào tàu Ma-đốc. Trúng ngư lôi của ta, tàu Ma-đốc tháo chạy ra biển. Trong cuộc chiến đấu này, một máy bay của Mỹ cũng đã lực lượng của ta bắn hạ.

“Tối mùng 2/8/1964, chúng tôi nghe tiếng súng bắn loạn xạ ngoài biển. Sáng mai, Mỹ rêu rao trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế là Hải quân Việt Nam bắn tàu Mỹ trên khu vực vùng biển quốc tế, tức là cái mà chúng gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Lấy cớ này, trưa ngày 5/8/1964 chúng mang tàu chiến, máy bay ra bắn phá các căn cứ Hải quân của ta từ Cảng sông Gianh trở ra Bắc”, ông Tài kể tiếp.

Cùng lúc, máy bay Mỹ đánh phá 4 căn cứ quan trọng của ta ở Cảng sông Gianh, Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ban đầu là Vinh - Bến Thủy và Cảng sông Gianh, sau đó mở rộng ra Lạch Trường, Bãi Cháy. “8 máy bay từ tàu sân bay của Hạm đội 7 ồ ạt oanh tạc các căn cứ quân sự ở Cảng Gianh và Mũi Ròn. Ngay trong loạt tấn công đầu tiên, nhiều đơn vị bị trúng bom, lực lượng bị thương vong quá nửa.

Dân quân các xã Quảng Thọ, Cảnh Dương, Quảng Phú, Thuận Trạch, Tự vệ Ngư trường Cửa Gianh đã phối hợp chặt chẽ với các tàu Hải quân 161, 167, 173, 175, 177, 181, 525 chiến đấu quyết liệt với lũ giặc bay. Quân dân Tp Vinh - Bến Thủy cũng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời miền Bắc thì liền sau đó, quân dân Quảng Bình cũng lập công, bắn hạ một máy bay ở Lý Hòa”, ông Tài nhớ lại.

Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Quảng Bình vào ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu).
Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Quảng Bình vào ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu).

4 tên “giặc trời” cũng phải đền tội bởi lưới phòng không của ta ở Lạch Trường, Hòn Gai. Trong đợt 2 xuất kích phá hoại Vinh - Bến Thủy cho đến 17h ngày 5/8/1964, thêm 2 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Trận đánh mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ thất bại nặng nề.

Đánh giá về tầm quan trọng của chiến thắng trận đầu của lực lượng Hải quân, cựu binh Lê Anh Tài nói: “Vào thời điểm đó, về trang bị, vũ khí thì ta đều thua Mỹ. Thậm chí, Mỹ còn lớn tiếng tuyên bố, chúng chỉ xem lực lượng Hải quân Việt Nam chỉ là con số 0 so với sự hùng hậu của Hải quân Mỹ. Nhưng ta lại có lòng quả cảm và tinh thần cảm tử, chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì sự thống nhất của non sông, thứ mà Mỹ không có. Bởi vậy, chiến thắng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nó đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, đánh đuổi Mỹ ra khỏi hải phận miền Bắc. Thất bại này cùng với cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân dân Miền Nam khiến Mỹ - chính quyền Sài Gòn phải phân tán lực lượng bởi vậy nên con đường chiến lược tiếp tế cho chiến trường Miền Nam vẫn được bảo vệ vững chắc”.

Hoàng Lam