1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cuộc “cách mạng” trong quản lý hộ tịch

(Dân trí) - Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức tư pháp - hộ tịch ghi các nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Cuộc “cách mạng” trong quản lý hộ tịch
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng tính "cách mạng", hiệu quả của Luật Hộ tịch sẽ phụ thuộc nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch (Ảnh: Bộ Tư pháp).

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật hộ tịch sáng nay 17/7, Bộ Tư pháp cho biết đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật điều chỉnh riêng lĩnh vực này sau hơn 60 năm thực hiện bằng các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ. Luật Hộ tịch ra đời là bước hoàn thiện khá căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, “cách mạng” như: gắn việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; tạo điều kiện tối đa cho người dân và cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng và các lĩnh vực khác có liên quan đến người dân nói chung…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định tính “cách mạng”, hiệu quả của Luật Hộ tịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Tầm quan trọng của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và các yêu cầu nghiêm ngặt về tính khách quan, trung thực, chính xác đòi hỏi công chức tư pháp, nhất là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp và trách nhiệm, đạo đức công vụ cao, đồng thời phải luôn cập nhật những kỹ năng nghiệp vụ mới, hiện đại.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường tin tưởng việc triển khai thực hiện Luật Hộ tịch sẽ đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Luật Hộ tịch, UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Nội dung đăng ký khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Chính phủ sẽ quy định việc cấp Số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.

Ngoài ra, Luật Hộ tịch quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi các nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

 Luật Hộ tịch sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.

Thế Kha

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm