Cùng ngư dân thắp 5.600 "ngọn đèn" trên biển
(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến cho biết, mục tiêu của chương trình là hướng tới đồng hành với ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển.
Ngày 7/4, báo Pháp luật TPHCM tổ chức lễ ra mắt chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển".
Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM ông Nguyễn Thái Bình cho biết, chương trình sẽ diễn ra ở quy mô toàn quốc, trong 3 năm từ 2023-2025. Kế hoạch dự kiến diễn ra ở 28 tỉnh thành có biển.
Chương trình sẽ tặng 5.600 phần quà cho ngư dân trong cả nước (200 ngư dân/địa phương). Mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng gồm một bộ ắc-quy phục hồi; một cuốn cẩm nang những điều cần biết về đánh bắt hải sản với nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân và một túi thuốc chống nước.
Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển,…
Chương trình không chỉ dành tặng cuốn cẩm nang giàu kiến thức pháp lý trang bị cho bà con khi tham gia đánh bắt trên biển mà sẽ còn kết hợp chặt chẽ với các bộ ngành, đơn vị chấp pháp, các tổ chức khoa học uy tín.
"Hơn nữa, sẽ cùng chính quyền địa phương thiết kế các diễn đàn, các không gian tương tác pháp lý hiệu quả, chuyên nghiệp nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng, lan tỏa các thông điệp tích cực của Chính phủ về tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản", ông Bình nói.
Qua đó, chương trình sẽ góp phần xây dựng nhận thức, hành động chung của ngư dân Việt, để mỗi ngư dân nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung ngày càng hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm cấp bách của mình trước việc bảo vệ môi trường, nguồn sinh của biển cả; tuân thủ luật pháp quốc tế khi tham gia vào luật chơi chung của toàn cầu,…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến cho biết, mục tiêu của chương trình là hướng tới đồng hành với ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển.
"Đó không chỉ là những món quà, hiện vật có ý nghĩa, thiết thực với nghề biển, mà còn là những kiến thức, tài liệu, những hoạt động tuyên truyền để phổ biến tới bà con các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản", bà Yến nói.
Bà Yến cho hay, thay vì đánh bắt như một tập quán từ đời này sang đời khác thì chuyển đổi sang nuôi trồng để vẫn bám biển, phát triển được nguồn lợi từ biển, mà bền vững, thân thiện môi trường hơn.
"Gỡ thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) không chỉ là đáp ứng các yêu cầu của đối tác quốc tế, qua đó bảo vệ thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam. Gỡ thẻ vàng trước hết là thúc đẩy ý thức tuân thủ pháp luật của chính chúng ta, để bảo vệ tài nguyên biển quốc gia, cũng là hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo", bà Yến phát biểu.
Bà Yến cho rằng hướng ra biển, thắp sáng đèn trên biển chính là những hành động thiết thực như thúc đẩy phát triển những ngành kinh tế thân thiện với xu hướng xanh; khai thác gắn với bảo tồn, nuôi trồng; đầu tư sâu vào chế biến để tăng giá trị hàng xuất khẩu thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô,…
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê, hiện TPHCM có hơn 2.000 ngư dân, tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ, trong đó có khoảng gần 150 ngư dân đánh bắt vùng khơi, gần 500 ngư dân đánh bắt vùng lộng, hơn 1.500 ngư dân lao động ven bờ và hậu cần nghề cá.
Thời gian qua, lãnh đạo TP đã chỉ đạo sát sao để các cơ quan, đơn vị vừa hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản, đảm bảo đời sống, vừa tổ chức vận động, tuyên truyền để bà con ngư dân tuân thủ luật pháp khi khai thác trên biển.
"TPHCM đã phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức hàng chục hội nghị, phát hơn 30.000 tờ rơi và gần 200 bộ tài liệu để tuyên truyền, phổ biến cho bà con các quy định trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an ninh biển đảo, chống khai thác bất hợp pháp. Rất mừng là đến nay TPHCM không có trường hợp nào vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài", ông Khuê nhận định.