Cục Bảo vệ thực vật nói gì về 2 xe container hoa ở Đà Lạt phải tiêu hủy?
(Dân trí) - Mới đây một doanh nghiệp ở Đà Lạt buộc phải tiêu hủy 2 xe container hoa khi không xuất khẩu được sang thị trường Australia. Việc số hoa này không được cấp giấy kiểm dịch thực vật gây nhiều băn khoăn.
Liên quan đến nội dung trên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc một doanh nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) không xuất khẩu được 2 xe container hoa cẩm chướng và hoa cúc sang thị trường Australia là do không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Nguyên nhân là do phía Australia yêu cầu 2 loại hoa trên phải được xử lý (nhúng) qua dung dịch hoạt chất Gyphosate trước khi xuất khẩu sang quốc gia này. Mà hoạt chất Gyphosate đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ ngày 30/6/2021, do đó, lực lượng kiểm dịch thực vật đã từ chối cấp giấy kiểm dịch cho lô hoa này.
"Phía Australia yêu cầu trên giấy kiểm dịch thực vật phải ghi là hoa đã được nhúng qua dung dịch Gyphosate với tỷ lệ % nhất định, thông thường là từ 0,25-0,5%. Hoạt chất này đã bị cấm nên chúng tôi từ chối kiểm dịch và cấp giấy là đúng quy định của pháp luật", ông Trung nói.
Doanh nghiệp có bất ngờ?
Trước câu hỏi, liệu các doanh nghiệp xuất khẩu hoa có bất ngờ trước quy định cấm sử dụng hoạt chất Gyphosate, ông Trung cho biết: Ngày 10/4/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Gyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Từ thời điểm đó cấm các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Gyphosate. Quyết định này được thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật,...
Để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các doanh nghiệp tiêu thụ nốt số thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Gyphosate còn tồn kho trong 2 năm. Đến ngày 30/6/2021, hoạt chất Gyphosate chính thức không được sử dụng tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp, đơn vị nào còn thì buộc phải tiêu hủy.
"Cách mốc 30/6/2021 khoảng 3 tháng, chúng tôi đã có văn bản gửi các doanh nghiệp nhập khẩu, đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật,... vừa để nhắc nhở, vừa để thống kê xem còn tồn hoạt chất Gyphosate là bao nhiêu, thì còn khoảng 51 tấn. Nhưng với số lượng này như "muối bỏ bể", sử dụng rất nhanh hết, nên đến ngày 30/6/2021 là không còn một kg hoạt chất Gyphosate nào. Chính vì vậy, có thể nói các doanh nghiệp, đơn vị đều biết cả, nên không có chuyện bất ngờ", ông Trung khẳng định.
Vì sao Australia yêu cầu nhúng hoa bằng dung dịch gây ung thư Gyphosate?
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia đã cấm sử dụng hoạt chất Gyphosate, bởi bằng chứng khoa học cho thấy chất này gây ung thư cho người.
Theo ông Trung, Australia là một trong những quốc gia có quy định rất chặt chẽ về kiểm định thực vật, nhất là các mặt hàng nhập khẩu. Trong số rất nhiều loại hoa, chỉ riêng hoa cẩm chướng và cúc phía Australia mới yêu cầu phải xử lý qua hoạt chất Gyphosate. Bởi hoa cẩm chướng và cúc mặc dù đã cắt cành nhưng vẫn có khả năng nảy mầm, khi được nhúng qua dung dịch Gyphosate chúng không còn khả năng nảy mầm nữa.
"Phía Australia đã nghiên cứu rất kỹ 2 loại hoa này. Họ sợ sinh vật ngoại lai xâm nhập nên mới có yêu cầu xử lý qua hoạt chất Gyphosate", ông Trung giải thích.
Ông Trung thông tin, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng hoạt chất Gyphosate, nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người.
Về giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trung cho biết, hiện nay hoa cắt cành của Việt Nam xuất khẩu đi trên 20 quốc gia. Trong số các quốc gia này nhiều nước không quy định như Australia, do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng khác.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để cung cấp thêm các tài liệu, thông tin về nghiên cứu các hoạt chất khác thay thế Gyphosate để gửi sang cơ quan chuyên môn của Australia.
"Chúng tôi đã trao công hàm cho Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và cả cơ quan chuyên môn của Australia để bàn về việc này và họ đã nhất trí phương án tìm hoạt chất thay thế Gyphosate. Hiện 2 bên vẫn đang khẩn trương cho việc này", ông Trung nói thêm.