Cử tri TPHCM đề nghị Chủ tịch nước xử lý vụ "gạt tay trúng má"
(Dân trí) - "Chúng ta cần điều tra thật kỹ, công an sai chỗ nào, phóng viên chưa đúng chỗ nào thì xử theo đúng luật. Tôi đề nghị pháp luật nên lưu tâm vụ công an Đông Anh, Hà Nội "gạt tay trúng má" phóng viên để người dân yên tâm".
Tại buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 4/10, cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đã đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phóng viên báo Tuổi trẻ bị công an huyện Đông Anh, Hà Nội "gạt tay trúng má" trên cầu Nhật Tân.
Cử tri Lợi cho rằng, ở các nước phát triển, trong lúc công an tiến hành các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ hiện trường thì không ai có thể xâm nhập phạm vi dù đó là nhà báo. Căn cứ theo luật, công an có quyền mời những người không có nhiệm vụ ra ngoài khỏi phạm vi hiện trường. Tuy nhiên, việc mời này căn cứ theo quy định của pháp luật chứ không có kiểu “vuốt má hay vung chân, vung tay kiểu đó”.
Bà Hoàng Thị Lợi cho rằng hành xử của công an huyện Đông Anh, Hà Nội với phóng viên Quang Thế của báo Tuổi trẻ trên cầu Nhật Tân đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Trong vụ việc này, công an đã thiếu kiềm chế. Cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và đặc biệt cách trả lời dư luận của công an Hà Nội chưa ổn, khiến dư luận thêm bức xúc.
"Tôi đề nghị pháp luật nên lưu tâm cái này để người dân yên tâm. Cần điều tra thật kỹ, công an sai chỗ nào, phóng viên chưa đúng chỗ nào thì xử theo đúng luật chứ không vì áp lực dư luận hay thành kiến mà có văn bản xử lý gây ồn ào dư luận.
Cử tri Lợi cũng đề nghị Bộ Công an cần rà soát lại công tác đào tạo công an thật chuyên nghiệp trong bảo vệ hiện trường và cách hành xử.
Trong khi cử tri Hoàng Thị Lợi quan tâm đến vụ "gạt tay trúng má", cử tri Nguyễn Thị Út (quận 4) bức xúc phản ánh về tệ nạn tem giấy đang "đầu độc" giới trẻ.
Bà Út cho biết, gần đây giới trẻ sử dụng một loại tem bằng cách lè lưỡi liếm. Một tập tem có 20 miếng tem nhỏ. Người dùng lè lưỡi, ngậm lại chờ những ảo giác xuất hiện. Mỗi miếng tem giấy có giá 20 ngàn đồng nên giới trẻ dễ mua.
"Tem này như ma tuý đang bủa vây trường học. Các em không nghĩ trong tem đó có chứa chất tạo ảo giác dẫn đến nghiện ngập, hoang tưởng. Tem giả như đập đá, tạo cảm giác ảo đến mức thấy mẹ ruột mà nghĩ là quỹ dữ.... nên tôi đề nghị phải giải quyết tận gốc", bà Út nói.
Cử tri này cũng đề nghị Chính phủ có cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không "giao phó" cho 3 Bộ Công thương - Y tế - Nông nghiệp như hiện nay. "Cần sửa luật an toàn vệ sinh thực phẩm thật chi tiết chứ không áp dụng luật khung như hiện nay dẫn đến khi xuống thông tư thì không còn thực tế. Phải kiểm soát thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn", bà Út nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ông nghiêm túc lắng nghe ý kiến phát biểu của cử tri 3 quận. Các ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm cao.
Về vấn đề vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch nước khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp.
"Cần sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các dự án luật liên quan đến bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Nói không với chất cấm, thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Phải dấy lên phong trào, dư luận xã hội, lên án những người vi phạm đạo đức kinh doanh, vì lợi ích cá nhân mà sản xuất, lưu thông các chất cấm, sử dụng chất cấm trong thực phẩm", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, những vấn đề cử tri nêu ra có liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội tới, Chủ tịch nước nghiêm túc tiếp thu để suy nghĩ, đóng góp trong quá trình xây dựng các dự án luật. Những ý kiến khác, Chủ tịch nước cũng sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý.
Công Quang