Vụ công an “gạt tay trúng má” phóng viên: Cán bộ nhà nước cũng bức xúc

(Dân trí) - Nhận định vụ việc công an “gạt tay trúng má” phóng viên đang “gây bão” dư luận, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, không chỉ cộng đồng mạng mà cán bộ các cấp nhiều người cũng rất bức xúc. Bà Nga đề nghị kiểm tra xử lý nghiêm minh, công bằng để người trong cuộc, ngoài cuộc đều tâm phục khẩu phục.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra, xử nghiêm vụ công an gạt tay trúng má phóng viên cho tâm phục khẩu phục.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra, xử nghiêm vụ công an "gạt tay trúng má" phóng viên cho tâm phục khẩu phục.

Sáng 4/10, tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao một giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Chính phủ đề ra, đó là giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Theo đó, một trong những điểm tốt là công tác giải quyết các vụ việc phức tạp, điểm nóng được quan tâm, đặc biệt là xử lý kịp thời, hiệu quả trước tình huống mới phát sinh. Trong phương hướng năm 2017 cũng có nói nắm chắc tình hình để giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự xã hội.

"Nhận định đây là định hướng đúng, từ định hướng này, chúng tôi đề nghị Chính phủ cho kiểm tra ngay những vụ việc đang xảy ra hiện nay để xử lý các điểm nóng", bà Nga đối chiếu với một số vụ việc dư luận hiện đang bức xúc, như vụ cán bộ đội cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh, Hà Nội “gạt tay trúng má” phóng viên.

Đây là một ví dụ mà theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, cần phải xem xét lại giữa chủ trương giải quyết và thực tế áp dụng.

Sự việc xô xát giữa viên cảnh sát và phóng viên xảy ra ở cầu Nhật Tân, Thượng sĩ Ngô Quang Hưng bị xử lý kỷ luật khiển trách, nhà báo Quang Thế (báo Tuổi trẻ) bị phạt hơn 14 triệu (căn cứ vào Nghị định 67) vì một số lỗi trong đó có lỗi đi vào khu vực cấm và chụp ảnh khi chưa được phép tác nghiệp.

“Từ clip đưa tin trên báo chí chính thống, người có thẩm quyền của Công an Hà Nội trả lời là “đồng chí Ngô Quang Hưng đã có hành vi dùng tay gạt trúng má của nhà báo Quang Thế, giơ chân đá nhưng không trúng nhà báo Quang Thế”. Việc này gây ồn ào trong dư luận, không chỉ ở cộng đồng trên mạng mà cán bộ chúng ta nhiều người cũng rất bức xúc” - bà Nga nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, để sự việc nhỏ không biến thành việc to, không để gây ra dư luận hiểu nhầm thì các cơ quan quản lý nhà nước phải làm công khai và nghiêm minh.

“Với những vụ như thế, “gây bão” dư luận như thế, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng an ninh phải có sự theo dõi, kiểm tra xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và nhà nước” - bà Nga nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp khẳng định, cần xử lý nghiêm minh để người trong cuộc và ngoài cuộc đều tâm phục khẩu phục.

Được biết, chiều 29/9, trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, kết luận ban đầu về vụ việc mà theo lời ông Ngọc là “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.

Ông Ngọc nói: “Đồng chí Hưng có dùng tay gạt trúng vào má nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo Quang Thế".

P.Thảo