Cử tri TPHCM: Chúng tôi như bị tách rời trung tâm vì kẹt xe, ngập nước
(Dân trí) - Gặp Chủ tịch UBND TPHCM, cử tri quận 7 bày tỏ, kẹt xe, ngập nước đang là vấn nạn ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM và đời sống của người dân. Vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết sau nhiều năm.
Chiều 10/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri quận 4, 7, huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Gặp gỡ lãnh đạo thành phố, đại diện cho người dân sinh sống khu vực phía đông nam TPHCM đã bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ về những vấn đề hạ tầng đô thị, đặc biệt là kẹt xe, ngập nước.
Các cử tri cho rằng, vấn đề kẹt xe, ngập nước không phải là "đặc sản" của riêng TPHCM mà nhiều đô thị khác trên cả nước đang gặp phải. Tuy nhiên, dù từng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng những thực trạng này chưa có nhiều chuyển biến và vẫn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân tại đô thị đông nhất cả nước.
Vấn nạn kìm hãm sự phát triển của TPHCM
Cử tri Nguyễn Xuân Bình (quận 7) bày tỏ, kẹt xe, ngập nước đang là vấn nạn ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM và đời sống của người dân. Dù thực trạng này tồn tại nhiều năm, lãnh đạo địa phương đều rất trăn trở nhưng chưa thể giải quyết.
"Thực trạng chúng ta ai cũng biết, người dân biết, lãnh đạo biết, giải pháp đặt ra rất nhiều. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là phải xác định từng bước, đưa ra lộ trình, đâu là điều cơ bản nhất cần giải quyết. Nếu giải quyết theo kiểu cứ mở rộng đường ra thì mở bao nhiêu cũng không giải quyết nổi", vị cử tri góp ý.
Cử tri của quận 7 dẫn chứng, mỗi lần qua cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ để vào trung tâm thành phố, ông đều trải qua cảnh kẹt xe "kinh khủng". Khu vực qua cảng Sài Gòn, người dân cũng chen chúc nhau trong khung giờ cao điểm.
"Người dân chúng tôi ở đây đều có cảm nhận như đang bị tách rời khỏi khu vực trung tâm TPHCM vì vấn đề giao thông", ông Nguyễn Xuân Bình nêu bức xúc.
Giải pháp căn cơ được cử tri này nêu ra là TPHCM cần có chính sách giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm để giảm ùn tắc. Đây là điều các thành phố lớn đã làm từ lâu nhưng TPHCM chưa thực hiện hiệu quả.
Bà Lê Ngọc Anh, cử tri huyện Nhà Bè, nêu thực trạng, khu vực cầu Rạch Đỉa 2, nối huyện Nhà Bè và quận 7 thường xuyên phải chịu cảnh kẹt xe trầm trọng. Các trục đường chính của huyện như Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ cũng còn nhiều bất cập về giao thông bởi xe tải, xe container thường xuyên di chuyển với cường độ cao.
"Trong khi đó, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thi công từ lâu nhưng chưa hoàn thành. Nơi này thường xuyên ùn tắc giao thông do mặt đường bị chiếm dụng để thi công. Chúng tôi kiến nghị thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ để khắc phục cảnh kẹt xe tại đây", cử tri huyện Nhà Bè đề đạt.
Ngập nước không phân biệt được sông với đường
Đề cập tới vấn đề ngập nước tại địa phương, cử tri Nguyễn Văn Bình phản ánh, vào mùa triều cường, đường Trần Xuân Soạn nhiều thời điểm không phân biệt được đâu là sông, đâu là đường. Tại đường Huỳnh Tấn Phát, mỗi lần mưa lớn, nước ngập đến tận đầu gối, người dân di chuyển rất vất vả.
"Tôi muốn hỏi, dự án chống ngập 10.000 tỷ của TPHCM đã triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Cách đây vài năm, tôi nghe thông tin công trình khởi công trở lại nhưng đến nay vẫn im ắng. Chúng tôi đề nghị đại biểu làm rõ dự án có làm nữa không và nếu làm thì bao giờ xong?", ông Bình đặt câu hỏi.
Cử tri Trương Văn Tư (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) cho biết, nơi ông ở có một tuyến đường thường xuyên chịu cảnh ngập nước 8 năm nay. Ngay cả khi nâng đường, nơi này vẫn không thể thoát ngập.
"Trên tuyến đường có một trường tiểu học, một trường mẫu giáo và một trường trung học. Các em không thể đến trường vào mùa ngập, nhà trường phải bố trí thời gian học vào thời điểm nước rút", vị cử tri nêu vấn đề.
Tại hội nghị, các cử tri tại quận 4, 7, huyện Nhà Bè cũng gửi gắm những kỳ vọng về việc TPHCM thực hiện thành công Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đại diện người dân của 3 địa phương phía đông nam TPHCM cũng đưa ra nhiều góp ý của thành phố về chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống người lao động.
Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đang vướng gì?
Trả lời ý kiến của cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, phân tích, sau thời điểm khởi động lại, dự án chống ngập 10.000 tỷ lại phải tạm dừng vì nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc.
Theo Chủ tịch TPHCM, số tiền cần để hoàn thiện 10% còn lại của dự án là khoảng 1.800 tỷ đồng. Do nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cho vay.
"Thành phố đã đề xuất có cơ chế thanh toán sớm từ phía địa phương để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Tuy nhiên hiện tại, do dự án chưa hoàn thiện để nghiệm thu nên chưa có cơ sở để chi", ông Phan Văn Mãi phân tích.
Trong năm nay, ngân sách đầu tư công của Trung ương và TPHCM là khoảng 68.000 tỷ, trong đó dự kiến phân bổ 5.700 tỷ để thanh toán cho các hạng mục đã hoàn thành của dự án này. Tuy nhiên, số tiền này chưa thể thanh toán do dự án chưa hoàn thành để nghiệm thu.
"TPHCM xin cơ chế sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đó để chi cho dự án, hoặc phương án khác cho vay, thanh toán sớm để chủ đầu tư hoàn thành công trình. Sau khi hoàn thành, thành phố sẽ kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo các điều kiện của hợp đồng", ông Mãi nêu hướng gỡ vướng.
Chủ tịch TPHCM thông tin thêm, sau khi được thanh toán, chủ đầu tư cam kết chỉ cần 1,5 tháng để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án.
Về vấn đề kết nối quận 7 với khu vực trung tâm, lãnh đạo chính quyền thành phố cho biết, hiện tại, địa phương đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn. Theo hướng điều chỉnh, quận 7 sẽ có nhiều kênh kết nối với khu Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố.
"Thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông theo hướng kết nối các khu vực của mô hình thành phố đa trung tâm. Vấn đề giãn dân cũng nằm trong tính toán của thành phố trong việc thực hiện mô hình này", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.