Ông Phan Văn Mãi: TPHCM có thể chưa sắp xếp các quận, huyện giai đoạn này
(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết, nếu vận dụng các yếu tố đặc thù, địa phương có thể chưa sắp xếp các quận, huyện giai đoạn này mà chỉ sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã.
Tại Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã báo cáo với các đại biểu về vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và khu phố, ấp trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đối với công tác sắp xếp các quận, huyện, phường, xã, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố vừa ký tờ trình về định hướng gửi Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện phương án. Hiện tại, căn cứ theo tiêu chí diện tích, dân số, địa phương có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 142 đơn vị cấp xã cần sắp xếp.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin thêm, nếu vận dụng các yếu tố đặc thù, TPHCM có thể chưa phải sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, chỉ vận dụng với 71 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này. Vừa qua, thành phố đã làm việc với Bộ Nội vụ để xin tiếp cận theo hướng này.
"Việc này đang trong quá trình chuẩn bị, chưa được các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ phương án này để trình Bộ Nội vụ, trình xin ý kiến Chính phủ trong thời gian tới", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Đối với việc sắp xếp các khu phố, ấp, ông Phan Văn Mãi cho biết, địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm 2024 để thực hiện xong trong quý I/2024.
Trước đó, Sở Nội vụ TPHCM cho biết, trong giai đoạn này, TPHCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện cần sắp xếp là quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Trong số 149 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, 7 đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn trước nên không cần làm trong giai đoạn này.
Hiện tại, TPHCM tiếp tục rà soát, phân loại các đơn vị hành chính có một trong 4 yếu tố đặc thù, không bắt buộc thực hiện sắp xếp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những yếu tố đặc thù này gồm:
Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.
Đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.