1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ xây Văn Miếu

(Dân trí) - Theo ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc - khi đưa ra bàn bạc tại kỳ họp của HĐND tỉnh và trong các cuộc tiếp xúc cử tri, không thấy ai phản đối việc xây dựng Văn Miếu, thậm chí cử tri còn mong muốn làm khẩn trương.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định 
Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định người dân tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ xây dựng Văn Miếu hoành tráng.

Chiều 10/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã gặp gỡ các cơ quan báo chí để thông tin rõ hơn về chủ trương đầu tư xây dựng Văn Miếu (phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với tổng mức đầu tư gần 271 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Vĩnh Phúc - vào năm 2010, trong quá trình đào móng để xây dựng Trường THPT Trần Phú nổi tiếng của tỉnh đã phát hiện văn bia nói về quá trình trùng tu Văn Miếu thuộc phủ Tam Đới đời nhà Lê. Năm 1822, khi tên phủ Tam Đới đổi thành phủ Vĩnh Tường thì Văn Miếu phủ Tam Đới chuyển giao cho phủ Vĩnh Tường quản lý rồi trở thành Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) vào đầu thế kỷ XX.

“Khi đó tỉnh rất mừng và nảy sinh ý tưởng làm Văn Miếu. Nhưng làm ở đâu, bao giờ làm, làm thế nào thì đã phải trải qua rất nhiều cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà văn hóa, sử học trong và ngoài tỉnh. Mục đích của việc xây dựng Văn Miếu là để tạo ra công trình văn hóa mang dấu ấn của tỉnh, nhưng khi làm vẫn phải đảm bảo yêu cầu có tiền đầu tư cho các lĩnh vực khác, chứ không phải như tỉnh khác, khó khăn mà dồn hết đầu tư cho Văn Miếu. Vĩnh Phúc là tỉnh có số thu ngân sách khá lớn từ nhiều năm nay nên việc để ra 271 tỷ đồng đầu tư trong 4-5 năm, tức là mỗi năm vài chục tỷ, thì có thể cân đối được ngân sách. Có nguồn ngân sách thì mới làm, chứ không phải bỏ ngay ra 271 tỷ đồng để làm”- ông Hồng nói.

Việc thờ tự trong Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang gây nhiều tranh cãi.
Việc thờ tự trong Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang gây nhiều tranh cãi.

Ông Hồng cho rằng chính vì tỉnh Vĩnh Phúc chưa có công trình văn hóa nào như thế nên khi bước vào giai đoạn hoàn thành đã có nhiều ý kiến cho rằng công trình này “hoành tráng”. Thực tế, chủ trương xây dựng Văn Miếu đã trải qua 2 đời lãnh đạo tỉnh và được phê duyệt từ khá lâu rồi. “Nếu không được ủng hộ thì làm sao bây giờ có Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) hoành tráng như thế. Xa xưa hơn nữa, Tần Thủy Hoàng không áp đặt chính sách làm Vạn Lý Trường Thành thì bây giờ con cháu làm sao có được công trình như thế. Hay vào Huế, Lăng Khải Định, Tự Đức còn bắt nô dịch, các thứ cống nạp để làm như thế. Ở đây chúng tôi làm rất văn minh. Mục tiêu người ta hay nói là Văn Miếu gắn với việc thờ Khổng Tử, nhưng hiện nay cũng có nhiều ý kiến, và hiện nay cái khó nhất là đặt thờ tự, thứ tự đặt ông nào bên trái, ông nào bên phải, ông nào trước, ông nào sau. Cũng có nhiều người nói ông Chu Văn An cũng là Khổng Tử của Việt Nam đấy sao không thờ?”- ông Hồng bày tỏ.

Ông Hồng nói tiếp: “Ở nhiều địa phương muốn có cái này không được, cũng may mà chúng tôi tìm được (ý nói về văn bia nói về việc trùng tu Văn Miếu - PV). Căn cứ vào tiềm năng của tỉnh thì thấy làm được. Tôi cho rằng đó là chủ trương đúng. Chỉ khi làm xong, chuẩn bị sắp xếp bài vị ở trong Văn Miếu thì mới có những thông tin xôn xao”.

Thừa nhận khi thực hiện xây dựng Văn Miếu đã dự kiến thờ Khổng Tử nhưng ông Hồng cho biết khi đưa ra bàn bạc ở HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và trong các cuộc tiếp xúc cử tri đều không ghi nhận được ý kiến phản đối nào. “Cử tri còn mong muốn tỉnh làm khẩn trương. Họ còn bảo tỉnh phải chọn vị trí xứng đáng, làm cho nó đàng hoàng”- ông Hồng cho biết.

Đầu tư xây dựng Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc 755 tỷ đồng là hợp lý

Liên quan đến việc đầu tư Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư lên tới 755 tỷ đồng, ông Bùi Minh Hồng cho rằng việc này nằm trong lộ trình để TP Vĩnh Yên được Chính phủ công nhận trở thành đô thị loại 2 vào đầu năm nay.

“Nhà hát đã được bàn từ khóa trước và đã đưa ra quy hoạch xây dựng tại khu vực đó. Tỉnh còn thuê chuyên gia nước ngoài, tổ chức thi kiến trúc như ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Trung tâm Hội nghị Quốc gia lúc mới hoàn thành thì bảo hiện đại quá nhưng bây giờ nhiều người lại bảo xấu. Nó theo trào lưu thôi. Nhà hát của chúng tôi rất hiện đại, bây giờ chưa xong nhưng đưa vào khai thác rồi”- ông Hồng nói.

Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn hoàn thành.
Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn hoàn thành.

Trước luồng ý kiến băn khoăn về hiệu quả khai thác nhà hát, ông Bùi Minh Hồng khẳng định Vĩnh Phúc cần có nhà hát tầm cỡ và hiện đại như thế này. “Hôm rồi tổ chức Ngày môi trường Thế giới hơn 3.000 người cũng ở đó, tới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tổ chức hưởng ứng phòng chống ma túy tại đây, rồi nhiều bộ ngành đã đặt các chương trình hội họp, hội thảo rất nhiều. Nhưng quản lý nhà hát thế nào thì chúng tôi đang giao Sở Nội vụ, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quản lý, khai thác thế nào để phát huy hiệu quả”- ông Hồng giải thích.

Người phát ngôn UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định tỉnh này đầu tư xây dựng hạ tầng cho các lĩnh vực rất cân đối và hợp lý. “Năm nay tỉnh sẽ cố gắng bố trí vốn đề khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Các lĩnh vực ở Vĩnh Phúc đều được cân đối phát triển, chứ không mất cân đối. Hạ tầng khu đô thị của Vĩnh Phúc cơ bản, như TPHCM ấy, càng phát triển càng xây dựng nhiều”- ông Hồng dẫn ví dụ.

Dự kiến Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được hoàn thành trong năm 2017.

Thế Kha