Cử tri Hà Nội “thúc” phản ứng trước việc Trung Quốc rầm rộ xây đảo
(Dân trí) - Gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 9 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri Thủ đô, Uỷ ban MTTQ thành phố khái quát, cử tri và nhân dân lo lắng trước việc Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Cử tri quận Cầu Giấy đặt vấn đề, thời gian qua, việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảo Gạc Ma và biến các đảo chìm thành đảo nổi là việc làm nguy hiểm đối với Việt Nam. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có phản ứng mạnh hơn để tránh tiếp tục diễn ra những tình huống bất lợi tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri quận Tây Hồ đề nghị Quốc hội nghiên cứu thành lập Bộ Hải sản vì tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, cần đề xuất các chính sách đầu tư bảo đảm cho ngư dân đủ điều kiện bám biển, khai thác tài nguyên và bảo vệ biển đảo. Cử tri mong muốn nhà nước xây dựng những Ngư đoàn mạnh với nhiều tàu lớn, hiện đại, đi biển dài ngày. Ba bộ phận Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư đoàn hợp đồng tác chiến khi cần, bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.
Về các vấn đề lớn khác của quốc gia, cử tri đề nghị xem lại tình trạng độc quyền trong kinh doanh điện gây nhiều tiêu cực như lương của cán bộ, nhân viên ngành điện cao gấp nhiều lần những lĩnh vực khác, tỷ lệ hao hụt điện rất cao, giá điện liên tục tăng…
Cũng về vấn đề giá cả, cử tri phản ánh giá xăng thế giới hiện nay thấp và giữ ổn định. Tuy nhiên, giá xăng trong nước lại tăng; giá sữa vẫn đang tìm cách lách luật để tăng… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Nhân dân đề nghị nhà nước tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, nghịch lý được chỉ ra là khi giá xăng giảm nhiều, các loại hình vận chuyển giảm giá không tương ứng, đặc biệt là giá cước taxi. Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương kiểm tra và chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện giảm giá.
Một vấn đề thời sự liên quan trực tiếp đến Hà Nội, cử tri đề nghị Quốc hội và các cơ quan Quốc hội giám sát, kiểm tra giá trị dự án đường sắt trên cao tại Thủ đô. Hiện nay dự án đã bị “đội giá” đến hàng trăm triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Một dự án khác được quan tâm là dự án xây cầu nối Việt Trì – Hà Nội. Cử tri quận Tây Hồ đề nghị nhà nước triển khai nhanh dự án này để làm cầu nối phát triển kinh tế qua sông Hồng.
Dự án đường vành đai I, vành đai II của thành phố cũng nhận được yêu cầu sớm thực hiện để người dân trong khu vực quy hoạch có điều kiện ổn định đời sống.
Cũng về lĩnh vực giao thông, cử tri huyện Đông Anh lại đề nghị xem xét lại dự án xây dựng sân bay Long Thành. Cử tri cho rằng cơ quan soạn thảo cần lắng nghe ý kiến từ nhiều chuyên gia vì đây là dự án lớn, phải vay vốn nước ngoài, nếu không cẩn thận sẽ làm tăng nợ công.
Vấn đề dân sinh người dân Thủ đô băn khoăn là việc hiện có nhiều ý kiến đồng thuận cũng như trái chiều đối với phương án xét tuyển học sinh lớp 6. Cử tri và nhân dân đề nghị khi thực hiện các vấn đề giáo dục có ảnh hưởng đến các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục phải có lộ trình làm điểm và cần tổ chức tiếp thu, lấy ý kiến của nhân dân.
Nhiều cử tri đề nghị xem xét quy định giáo viên phải đứng lớp 19 tiết/tuần vì số lượng lớn như vậy ảnh hưởng đến nội dung giảng dạy. Ý kiến khác đề nghị nhà nước có chính sách để nâng lương cho đội ngũ giáo viên.
Cử tri cũng phản ánh hiện có nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng sinh viên ra trường lại không có việc làm, quản lý chất lượng đào tạo còn bất cập. Người dân đề nghị Bộ GD-DDT có cơ chế thay đổi phương pháp học, tăng công tác nghiên cứu, khuyến khích tự nghiên cứu, tự học đồng thời thắt chặt đầu ra của các trường, sắp xếp lại giữa việc học đại học và dạy nghề.
P.Thảo