1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cụ bà thoát chết 3 lần, sống qua 3 thế kỷ

Đầu năm 2008 này cụ bà Nguyễn Thị Khoang ở khóm Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã bước qua tuổi 113, trở thành người phụ nữ đầu tiên lập kỷ lục với tuổi thọ cao nhất nước, sống xuyên qua 3 thế kỷ.

“Tính tuổi mụ là năm ni được 113 tuổi rồi. Kể tuổi thì nhiều nhưng người chỉ nhỏ như củ khoai lang. Ở trong làng, một lứa với tui họ chết lâu lắm rồi chỉ còn một mình tui sống đến chừ. Cực khổ mà sống lâu. Trời thương người cực thì phải!” - cụ bà Nguyễn Thị Khoang móm mém mở đầu câu chuyện như vậy.

 

Những ngày đầu đông, dù cái rét gây khó chịu cho nhiều người nhưng bà Khoang vẫn lọ mọ ngồi hái dưa cà, làm cải chua cho người con mang ra chợ Hồ Xá gần đó bán kiếm tiền đong gạo hằng ngày. Cái tuổi đã quá “cổ lai hy”, nhưng giọng nói của bà vẫn còn khỏe lắm. 

 

Cụ Khoang không nhớ rõ mình sinh ngày tháng nào nhưng nhớ kỹ là vào mùa xuân đầu năm 1896. Quê bà ở thôn Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh cách đó chừng 3 cây số. Sinh ra trong một gia đình làm ruộng khổ cực nên mới mười mấy tuổi bà phải đi làm mướn kiếm cơm phụ giúp cha mẹ, đến tuổi đôi mươi thì đội nón theo chồng.

 

Bà Khoang sinh được 4 người con, hai trai, hai gái nhưng chỉ nuôi được 3 người. Năm 1951 chồng chết, rồi giặc Pháp đốt nhà, bà Khoang ôm 3 đứa con chạy nạn, nhờ cậy làng trên xóm dưới, làm thuê làm mướn khắp nơi.

 

Ngày tháng khổ cực trôi qua, các con bà đều lớn khôn. Bà có mỗi một người con trai thì khi con đến tuổi trưởng thành, bà động viên con lên đường theo cách mạng và không bao lâu sau, người con đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

 

Chồng chết, con hy sinh, bà Khoang nuốt ngược nỗi đau vào lòng, một mực ở vậy để thờ chồng, con. Nhiều lần bà bị giặc Pháp tra tấn dã man vì nghi ngờ nuôi giấu chở che cách mạng...

 

Rồi chiến tranh, chia cắt, bom đạn của Mỹ vùi dập làng quê. Bà cùng xóm làng rời xa quê hương sơ tán ra tận Tân Kỳ - Nghệ An cho mãi đến năm 1973 mới trở lại quê nhà.

 

Về quê hương ngày ấy mặc dù bà Khoang đã gần 80 tuổi nhưng ngày ngày bà vẫn miệt mài lao động với hạt lúa, củ khoai để tự nuôi mình và góp thêm lo cho con cháu. 

 

Bà chỉ còn mỗi một người con gái có tên Trần Thị Trứ (năm nay bà Trứ đã ở tuổi 74). Năm 1989, bà Trứ chuyển nhà từ quê ra thị trấn Hồ Xá nên bà Khoang phải theo con gái để nhờ cậy tuổi già cho đến bây giờ.

 

Thương con một mình vất vả lặn lội sớm hôm kiếm gạo cho cả gia đình với mấy mớ rau, quả cà ở chợ Hồ Xá nên ngày ngày bà Khoang vừa trông coi, quét dọn nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn. Việc gì bà cũng làm được.

 

Cho đến bây giờ cũng vậy, bà Khoang luôn dậy sớm, một mình lọ mọ chống gậy quanh nhà. Chính từ cuộc sống chật vật, thường xuyên rèn luyện lao động mà bà Khoang giữ được sự minh mẫn, sống lâu cùng cháu con.

 

Bà Trứ kể rằng, cách đây hơn 14 năm bà Khoang đã 3 lần chết lâm sàng, cả ba lần ấy bà Trứ chuẩn bị mai táng thì bà Khoang sống lại.

 

Đặc biệt là lần cuối cùng vào năm 1995, vào một buổi chiều tự nhiên bà Khoang ngã quỵ rồi tắt thở luôn mấy tiếng đồng hồ. Cả nhà tưởng bà đã chết, chuẩn bị xong mọi việc để lo tang lễ, nhưng thật bất ngờ chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, tự nhiên bà Khoang tỉnh dậy nói năng lưu loát, sinh hoạt bình thường như sau một giấc ngủ dài!

 

Kể từ dạo ấy đến nay bà không hề đau ốm gì, sức khỏe như tốt lên hẳn. Thỉnh thoảng khi trái gió trở trời có đau nhức đôi chút ở chân tay nhưng xoa bóp rồi thì ngồi dậy lấy dao gọt cà, tước cải ngâm chua cho bà Trứ... 

 

Nhân dịp bà tròn 100 tuổi, Hội Người cao tuổi khóm Thành Công đã tổ chức lễ thượng thọ cho bà Khoang và từ bấy đến nay, khi nào đến ngày của người cao tuổi, hay mỗi khi Tết đến, xuân về, người dân trong khóm vẫn đến thăm hỏi, động viên, chúc thọ bà.

 

“Nhờ bà con, xóm làng thăm hỏi động viên thường xuyên mà mẹ tui vui vẻ và sống lâu hơn, tui cũng luôn thấy tự hào về tuổi thọ của bà dù sức khỏe đã giảm đi nhưng vẫn cố gắng để phụng dưỡng tuổi già cho mẹ được ngày nào hay ngày ấy”, bà Trứ tâm sự.

 

Theo Hữu Hà
Công An Nhân Dân