Covid-19 lại "cộng dồn" bão lũ thì rất khó khăn

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu nhận định tình hình thiên tai còn diễn biến bất thường. Trong tình hình hiện nay, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng: "Nếu bão vào mà để xảy ra dịch nữa thì rất khó khăn".

Ngày 23/6, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, cho biết theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Bạc Liêu, trong năm 2021, mưa lớn diện rộng có khoảng 7-8 đợt, xuất hiện từ khoảng tháng 6 đến tháng 10. Thời kỳ kết thúc mùa mưa vào cuối tháng 11.

Năm nay, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ở mức tương đương trung bình nhiều năm khoảng từ 12-14 cơn (đã xuất hiện 2 cơn bão). Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 6-7 cơn.

"Từ tháng 10 đến cuối năm 2021, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng hoạt động từ khu vực Nam Trung bộ trở vào. Giông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ sẽ xuất hiện thường xuyên trên địa bàn tỉnh", ông Ly cho biết.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý thêm là từ tháng 10 đến tháng 12/2021, tại khu vực ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 3 đợt triều cường ở mức cao. Cụ thể, đợt một từ ngày 8-10/10, đợt 2 từ ngày 5-9/11 và đợt 3 từ ngày 2-8/12.

Covid-19 lại cộng dồn bão lũ thì rất khó khăn - 1

Mưa lớn, kết hợp triều cường gây ngập đường phố ở Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho rằng trong công tác phòng, chống thiên tai, nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan, cũng như biện pháp phòng, chống lại hạn chế.

"Như khi có bão vào, địa phương yêu cầu di dời, một số người dân không chịu đi. Hay khi yêu cầu chằng chéo nhà cửa thì hầu như dân làm chưa quen", ông Chung nhận định.

Còn theo Đại tá Hà Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu, một số ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển còn chủ quan, không thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động nên để xảy ra tai nạn gây thiệt hại lớn.

Covid-19 lại cộng dồn bão lũ thì rất khó khăn - 2

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu nâng cao cảnh giác trong tình hình thiên tai và dịch bệnh hiện nay.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh hiện nay biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất, tính mạng của người dân.

Theo ông Thiều, hiện đã chính thức bước vào mùa mưa bão năm 2021. Cũng chưa thể dự báo bão có vào các tỉnh ĐBSCL hay không. Tuy nhiên, nhiều người dân miền Tây vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong việc phòng, chống thiên tai. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác này hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị rà soát, bổ sung các phương án, đặc biệt cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với thiên tai, nhất là trong tình huống dịch Covid-19 hiện nay.

"Nếu như dịch diễn biến còn phức tạp thì công tác phòng, chống thiên tai như di dời dân sẽ tập trung đông, huy động tàu thuyền... có thể xáo trộn. Do đó, việc phòng, chống dịch Covid-19 phải đặt lên hàng đầu. Nếu bão mà vào rồi không kiểm soát chặt dịch bệnh nữa thì sẽ càng khó khăn, hậu quả rất nghiêm trọng", ông Thiều lo ngại.  

Do đó, theo Chủ tịch Bạc Liêu, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực, sẵn sàng vừa kiềm soát dịch, vừa phòng, chống thiên tai trước mắt từ đây đến cuối năm 2021.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong năm 2020, tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai như áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, sạt lở, ngập úng… đã gây thiệt hại khá nhiều về người, tài sản, sản xuất của người dân.

Trong đó, 3 tháng cuối năm 2020 xuất hiện các đợt triều cường được xem là đỉnh triều cao lịch sử trong vòng 40 năm qua trên địa bàn tỉnh.

"Trong năm 2020, các loại thiên tai xuất hiện và đã làm thiệt hại trên địa bàn tỉnh là hơn 402 tỷ đồng", ông Ly cho hay.