1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

"Công viên Thống Nhất sẽ không là Disneyland"

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội trong buổi giao ban với báo chí chiều 17/8. Cũng tại buổi làm việc, ông Thịnh đã trả lời nhiều câu hỏi “hóc” xung quanh dự án cải tạo công viên Thống Nhất…

Công viên chỉ bằng bãi để xe của… Disneyland

Vấn đề đầu tiên được đặt ra là hiện thành phố có tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người thấp, liệu sau khi đưa các công trình vui chơi vào công viên, thành phố có giữ nguyên được diện tích cây xanh vốn đã là “của hiếm”.

Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thịnh khẳng định, diện tích cây xanh, mặt nước trong công viên tương lai sẽ đảm bảo giữ nguyên vẹn tối thiểu 90% vì theo quy chuẩn mức diện tích xây dựng lớn nhất không vượt quá 10%.

“Kể cả ở các nước phát triển, nhà nước còn phải mua đất, mua nhà để trồng thêm cây, xây dựng thêm công viên… có phải Hà Nội đang đi ngược lại xu hướng đó?”- câu hỏi tiếp theo được đặt ra. Ông Thịnh đáp lại: thành phố vẫn chỉ xác định xây dựng công viên Thống Nhất là một công viên văn hóa nên đã “ra đầu bài” rất rõ với nhà đầu tư, nếu không chấp nhận thì không thể “vào” được.

1 số nguyên tắc “gọi” đầu tư cải tạo công viên Thống nhất

 

- Công viên phải được bảo tồn là công viên văn hoá, nghỉ ngơi, thư giãn; bảo tồn vườn hoa, cây xanh, đảo hồ; các trò chơi trong công viên phải mang tính giáo dục, văn hóa.

 

- Mọi công dân đều có quyền vào nghỉ ngơi, thăm quan, hoạt động thể dục dưỡng sinh mà không phải trả bất kỳ khoản thu nào nếu không tham gia các dịch vụ giải trí có thu tiền.

 

- Các kỷ vật, cây trồng lưu niệm được bảo vệ nghiêm ngặt và bảo dưỡng thường xuyên.

Về câu hỏi, công viên Thống Nhất sẽ trở thành thành Disneyland như đã được đề cập, ông Thịnh khẳng định lãnh đạo thành phố chưa bao giờ phát biểu đồng ý cho các doanh nghiệp đầu tư vào công viên Thống Nhất để xây dựng như Disneyland.

Dự án thành phố “gọi” vốn chỉ có tên là: cải tạo, nâng cấp công viên Thống nhất. Tên gọi Disneyland có thể là ý tưởng của nhà đầu tư và họ có quyền tuyên truyền trước cho dự định của mình.

Cũng theo ông Thịnh, nếu làm Disneyland, diện tích hiện tại của công viên không đủ để làm bãi… để xe. Ông Thịnh kết lại: không thể nói tới mô hình Disneyland nào có thể mọc lên ở công viên Thống nhất.

Đề bài khó cho doanh nghiệp?

Về chủ trương xã hội hoá dự án cải tạo công viên Thống nhất, có ý kiến tỏ ra băn khoăn: chi phí để duy trì cho hoạt động của một công viên công cộng có lớn đến mức ngân sách của thành phố không đảm bảo được và phải kêu gọi sự đầu tư bên ngoài?

Ông Thịnh giải thích, thành phố vẫn đi đúng đường khi đặt vấn đề xã hội hóa, “gọi” đầu tư. Ngân sách của thành phố theo kiến giải của văn phòng UBND là quá ngặt nghèo vì phải dồn sức cho rất nhiều công trình, dự án trọng điểm lớn, chưa đủ dư để đầu tư cải tạo công viên. Xã hội hóa theo “5 nguyên tắc ra đầu bài” một lần nữa được nhấn mạnh.

Người đại diện của UBND thành phố cũng nêu quan điểm không can thiệp sâu vào nội tình công việc của nhà đầu tư. Ông khẳng định, ý tưởng của nhà đầu tư là một chuyện còn việc duyệt dự án thì đã có “khung” để thành phố xem xét.

Theo lí giải của ông Phó Chánh văn phòng, hiện tại dự án xây dựng, cải tạo công viên Thống Nhất mới đang trong giai đoạn xem xét nhiệm vụ thiết kế quy hoạch và thành phố luôn khẳng định các nguyên tắc đã định

Vấn đề được một phóng viên đẩy ngược lại, nếu thành phố kiên quyết “bám” 5 nguyên tắc đã đặt ra cho các nhà đầu tư thì liệu có doanh nghiệp nào tính đến chuyện tham gia vào dự án? Vấn đề là UBND TP Hà Nội cần quan tâm hài hoà đến lợi ích của nhà đầu tư và của nhân dân, để làm sao công viên Thống Nhất vẫn giữ được cảnh quan, cây xanh, môi trường, không để rơi vào tình trạng ngày càng “tiêu điều” như hiện nay.

Câu hỏi này chưa được vị Phó Chánh văn phòng UBND TP trả lời.

Mạnh Cường - Phương Thảo