1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quốc khánh 2/9:

Công việc đầu tiên của Chính phủ 1945

Đã bước vào tuổi 93 nhưng ông Vũ Đình Hòe - người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - vẫn còn minh mẫn và rất xúc động khi kể về những ngày đầu lập quốc 60 năm trước.

Nhiệm vụ đè nặng trên vai bộ trưởng

 

Ngay sau ngày lịch sử 2/9/1945, ngày 3/9 Bác triệu tập cuộc họp phiên đầu tiên của Chính phủ.

 

Nhiệm vụ đầu tiên là mở ngay những cuộc lạc quyên, tăng gia sản xuất để cứu đồng bào khỏi nạn đói và nhiệm vụ thứ hai ngay sau cứu đói là mở chiến dịch chống mù chữ trong toàn quốc...

 

“Tôi biết trách nhiệm đang đè nặng trên vai bộ trưởng giáo dục khi Bác nhắc tới vấn đề quan trọng thứ hai và nhìn về phía tôi...” - ông Vũ Đình Hòe nhớ lại. Trong suốt quá trình Pháp thuộc, hơn 90% dân Việt bị mù chữ, chính nạn thất học là một quốc nạn ngày ấy.

 

Ngày 8/9, Bác Hồ ký ngay sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống mù chữ trong cả nước - một trong những sắc lệnh đầu tiên của nhà nước non trẻ.

 

Ông Vũ Đình Hòe kể: “Ngay những ngày đầu Chính phủ hoạt động, Hồ Chủ tịch dành hẳn một giờ để tiếp đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục sang Phủ chủ tịch làm việc. Biết rõ tác phong ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đi ngay vào vấn đề: “Thưa Cụ chủ tịch, chúng tôi xin phép trình bày ba việc để xin Cụ chỉ giáo”.

Ông Vũ Đình Hòe sinh năm 1912, tốt nghiệp Đại học Luật khoa Đông Dương của Pháp mở tại Hà Nội, phó chủ tịch Hội truyền bá quốc ngữ (do cụ Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch). Ông gia nhập Đảng Xã hội Pháp (SFIO). Năm 1941, ông cùng những trí thức trẻ ra tờ báo Thanh Nghị trước ngày tổng khởi nghĩa. Ông hoạt động trong Đảng Dân chủ VN với tư cách ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ, tham gia Mặt trận Việt Minh và được cử đi dự đại hội Tân Trào...

 

Bác nói ngắn gọn và hỏi: “Tôi nghe. Việc thứ nhất?”. “Xin trình Cụ hai dự thảo sắc lệnh, một là thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm và hai là sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ”.

 

Hồ Chủ tịch sau khi hỏi thăm về cơ sở vật chất cho nha bình dân học vụ đã nhanh chóng tán thành. Chúng tôi đề nghị cho Bộ Giáo dục chỉ thị ngay trong niên học tới đây, tất cả các trường, kể cả đại học, chỉ được dùng tiếng Việt khi học, khi dạy và trong mọi kỳ thi... Hồ Chủ tịch bảo: “Hay đấy nhưng có vội quá không? Các ông đã chuẩn bị đủ chưa?”.

 

Theo sự phân công trong đoàn, hai anh Nguyễn Văn Huyên và Ngụy Như Kontum, tổng giám đốc các nha đại học vụ và trung học vụ, trả lời Cụ Hồ: “Thưa Cụ chủ tịch, ông Hoàng Xuân Hãn - bộ trưởng trong chính phủ cũ trước đây - đã bắt đầu làm thử ở Trung bộ, xem ra khá trơn tru...".

 

Hồ Chủ tịch nghe xong thì nói ngay: “Ông Hoàng Xuân Hãn tôi có biết hồi còn ở bên Pháp, người này có tâm, thế thì bộ quyết định đi...”.

 

“Xã hội hóa giáo dục” từ ngày lập quốc

 

Ông Vũ Đình Hòe nhớ lại: Thật ra lúc đó không ai tin rằng chỉ một năm là có thể làm được việc xóa mù chữ, vì nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì phải ít nhất 30, 40 năm nữa mới kết thúc được phong trào.

 

Sao không biết dựa vào sức dân? Có sức dân thì mọi việc sẽ được hoàn thành. Ông Hòe lên diễn đàn và đưa ra bài toán của mình: “Cứ dạy cho một người biết đọc, biết viết trong ba tháng phải tốn ít ra là 6 đồng. Dạy cho 10 triệu người trong một năm phải tiêu hơn 60 triệu đồng tiền sách vở, giấy bút. Nếu trả lương giáo viên thì phải thêm 10 triệu đồng nữa vì phải cần đến 10 vạn giáo viên, mỗi giáo viên có thể dạy 100 học sinh trong một năm”.

 

Cả hội nghị cùng bàn bạc, góp ý và đi đến thống nhất: về khoản chi cho giáo viên thì không phải tốn vì phong trào sẽ không ai nhận tiền lương. Còn về con số 10 vạn giáo viên thì tính ra cả nước có 57 tỉnh, mỗi tỉnh phải tự tổ chức 2.000 giáo viên, mỗi tỉnh có khoảng 800 làng, mỗi làng phải tự túc lo bảy giáo viên...

 

 

Công việc đầu tiên của Chính phủ 1945 - 1
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các
thành viên Chính phủ lâm thời
sau phiên họp chính phủ đầu tiên
3/9/1945 (ông Vũ Đình Hòe
đứng cạnh Bác Hồ bên trái)

Căng nhất vẫn là khoản chi 60 triệu đồng để mua sách vở, ông Hòe đề nghị: “Trong lúc ngân sách còn eo hẹp, các lớp bình dân học vụ có thể dùng phấn hay gạch để viết xuống đất, chi phí sẽ rút xuống còn 2 đồng chứ không phải 6 đồng như trước đây, vậy Chính phủ có thể trả 5 triệu đồng cho khoản đó không?”.

 

Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đang ngồi bên dưới trả lời ngay: “được!”. Cả hội trường vỗ tay hoan nghênh. Ông Hòe thừa thắng xông lên: “Còn 15 triệu nữa, chi phí này ta không nhờ Chính phủ mà sẽ trông vào nhân dân, mỗi làng tự lo 1.000 đồng một năm có được không?”.

 

Các đại biểu từ khắp nơi về dự đều hô to: được... được và vang rền tiếng vỗ tay. Cô huấn luyện viên lớp đào tạo giáo viên Trương Thị Giáo mang sổ vàng lên xin chữ ký Bác Hồ và các bộ trưởng.

 

Bác Hồ nói: “Tôi khen sáng kiến của ông bộ trưởng. Ông khéo thu xếp để ta làm được việc lớn mà không phải tiêu pha lớn...”.

 

Tính đến cuối năm 1945, sau hơn ba tháng phát động, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh Bắc bộ gửi về Bộ Quốc gia giáo dục thì đã mở được 22.156 lớp học với 29.960 giáo viên và đã dạy biết chữ cho 519.250 học viên mà tổng chi phí xuất từ ngân sách trung ương là 815,68 đồng, còn lại đều do các địa phương và tư nhân chi trả.

 

Trung bộ, Nam bộ cũng có những con số tương tự.

 

Ngày 15/11/1945, mặc dù tình thế rất khó khăn nhưng Trường đại học Việt Nam cũng đã khai giảng. 

 

Ông Vũ Đình Hòe nói: “Tôi chỉ làm việc ở Bộ Quốc gia giáo dục sáu tháng, sau đó thì chuyển sang làm bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nhưng đó là sáu tháng đầy kỷ niệm và ấn tượng không thể nào quên được trong cả cuộc đời”.

 

Theo Vũ Bình
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm