Công ty bảo hiểm có phải bồi thường cho 7 ô tô vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ?
(Dân trí) - "Đây là tai nạn, công ty bảo hiểm phải bồi thường trước. Sau đó, chủ xe sẽ ủy quyền cho công ty bảo hiểm đi đòi lại tiền người gây tai nạn hoặc đơn vị chịu trách nhiệm", chủ công ty bảo hiểm chia sẻ.
Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Phú Mỹ, TP Thủ Đức (TPHCM) vào ngày 8/8 khiến 7 ô tô hư hỏng nặng, lãnh đạo công ty bảo hiểm cùng luật sư đã phân tích về việc liệu các phương tiện này có được bồi thường hay không.
Công ty bảo hiểm sẽ bồi thường trước
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo công ty bảo hiểm ở Đồng Nai, cho biết nếu các xe liên quan vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ có mua bảo hiểm vật chất, công ty bảo hiểm bắt buộc phải bồi thường. Sau khi bồi thường, chủ xe sẽ ủy quyền đòi lại tiền người gây tai nạn hoặc đơn vị chịu trách nhiệm theo luật định.
Theo vị này, về nguyên tắc bảo hiểm, vụ tai nạn có hiện trường và đầy đủ chứng cứ từ cơ quan chức năng, công ty bảo hiểm phải bồi thường trước. "Công ty bảo hiểm phải bồi thường vì đây là tai nạn chứ không phải cố ý gây ra của chủ xe. Trường hợp chủ xe mua bảo hiểm nhưng cố ý gây tai nạn hư hỏng, tổn thất phương tiện để lấy tiền bảo hiểm, phía công ty điều tra làm rõ được, họ sẽ không phải bồi thường", lãnh đạo công ty bảo hiểm nói.
Bên cạnh đó, luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang, cho biết hiện nay, pháp luật đã có quy định các chủ phương tiện giao thông phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Trường hợp chiếc xe tải trong vụ tai nạn này đã được mua trách nhiệm bảo hiểm dân sự bắt buộc thì công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đến mức tối đa giá trị phải bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Đối với phần vượt quá giá trị bồi thường tối đa theo hợp đồng bảo hiểm thì chủ xe, hoặc người lái xe tải phải bồi thường tiếp phần giá trị thiệt hại vượt quá giá trị được bảo hiểm tối đa.
Trong trường hợp các chủ xe khác trong vụ tai nạn có mua bảo hiểm vật chất thân xe cho ô tô của mình (thường được gọi là 2 chiều), tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất thân xe, có thể liên hệ công ty bảo hiểm để yêu cầu bồi thường thiệt hại, sửa ô tô của mình trước. Sau đó, chủ xe hợp tác với công ty bảo hiểm để công ty này đứng ra yêu cầu công ty bảo hiểm của chiếc xe khác trong vụ tai nạn, hoặc người lái xe phải thanh toán lại khoản tiền đã chi trả cho việc sửa chữa chiếc xe bị hư hỏng theo hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất thân xe.
Căn cứ vào kết luận điều tra
Luật sư Ngô Quí Linh phân tích theo quy định tại Điều 601 Bộ Luật Dân sự 2015, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng (tức người lái xe) phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi. Chủ sở hữu xe không bồi thường trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết, hoặc khi pháp luật có quy định cụ thể về những trường hợp không phải bồi thường thiệt hại.
Cũng theo quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Từ các quy định trên đây có thể thấy nếu xe tải được vận hành, sử dụng, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ đúng pháp luật, và nếu kết quả điều tra cho thấy việc xe tải bị mất thắng là thuộc trường hợp bất khả kháng thì có thể sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường của chủ xe hoặc người lái xe. Còn lại, đối với tất cả trường hợp khác thì chủ xe hoặc người lái xe vẫn phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi.
Việc phân định trách nhiệm bồi thường giữa chủ xe và người lái xe, pháp luật đã có quy định rõ. Theo Điều 600 của Bộ luật Dân sự, nếu người lái xe là người làm công thì cá nhân, pháp nhân là chủ sở hữu của chiếc xe tải gây tai nạn sẽ phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau đó, nếu xác định người lái xe có lỗi, chủ sở hữu của chiếc xe tải mới có quyền yêu cầu người lái xe phải hoàn trả cho mình một khoản tiền nhất định.
Như vậy, người lái xe tải trong tai nạn này, ông Trịnh Tiến Dũng (SN 1988) chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các xe bị hư hỏng nếu ông Dũng không phải là người làm công. Trường hợp ông Dũng là người làm công thì chỉ phải hoàn lại cho chủ xe một khoản tiền nhất định sau khi chủ xe đã bồi thường cho các chủ xe khác bị thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra xác định được những người bị nạn trong vụ tai nạn cũng có lỗi (không giữ đủ khoảng cách an toàn với các xe khác ngay trước khi tai nạn xảy ra) thì theo quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, mức độ trách nhiệm bồi thường của chủ xe tải hoặc người lái xe tải sẽ được giảm đi tương ứng với phần thiệt hại do lỗi của những người bị thiệt hại gây ra.
Thông thường, việc xác định mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể sẽ do các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Nếu không tự thương lượng, thỏa thuận được thì các bên có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án quyết định.
Theo luật sư Linh, về trách nhiệm hình sự, theo thông tin của vụ việc thì trong vụ tai nạn này có 7 người bị thương và có thiệt hại vật chất cho các phương tiện giao thông. Căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự thì tùy theo tỷ lệ tổn thương cơ thể và giá trị thiệt hại của các phương tiện giao thông trong vụ tai nạn mà người lái xe có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm và có thể bị cấm lái xe từ 1 đến 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Ví dụ: Trường hợp tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương trong vụ tai nạn là từ 122% đến 200%, người lái xe có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; nếu tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị thương trong vụ tai nạn từ 201% trở lên, người lái xe có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Việc xác định mức hình phạt cụ thể đối với người lái xe sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử tại tòa án.
Khoảng 14h50 ngày 8/8, 5 ô tô và 2 xe tải vừa đổ dốc cầu Phú Mỹ (hướng từ quận 7 sang TP Thủ Đức) xảy ra tai nạn liên hoàn. Vụ va chạm khiến các xe hư hỏng nặng, một ô tô bị bẹp dúm, 3 phương tiện bốc cháy.
Sau khi tai nạn xảy ra, một số tài xế và người đi đường đã sử dụng bình chữa cháy mini dập lửa cho 3 phương tiện, đưa các nạn nhân ra ngoài và chuyển đi cấp cứu.