1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Công trình dở dang, nhà thầu “bỏ chạy”

(Dân trí) - 47 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng tại huyện Minh Hóa đã quá hạn hoàn thành trên dưới 1 năm trời nhưng vẫn còn dang dở, thậm chí có cái còn… chưa thi công. Đáng nói nhất, một nhà thầu “ôm” tiền bỏ chạy khiến chủ đầu tư lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) là một phần của Dự án giảm nghèo khu vực miền Trung, với tổng số vốn 76 triệu USD từ nguồn vay tín dụng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là dự án giàu ý nghĩa, nhằm giúp các tỉnh miền Trung đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Riêng ở thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) nguồn vốn này được rót về cho 8 công trình nhà SHCĐ (mỗi công trình 150 triệu đồng), giao cho UBND thị trấn làm chủ đầu tư. Các công trình được triển khai từ 19/9/2007, BLQ dự án thị trấn giao cho Công ty TNHH XDTH Tuấn Hùng, một công ty xây dựng nhỏ có trụ sở tại phường Đồng Phú (Đồng Hới - Quảng Bình) thầu thi công.

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, 8 công trình này phải hoàn thành vào ngày 19/11/2007, nhưng tiến độ công trình cứ “ì ạch” cho đến 2/2008 thì công ty Tuấn Hùng đồng loạt “rút quân” sau khi đã cầm số tiền tạm ứng 20%, bỏ mặc các công trình dang dở.

Công trình dở dang, nhà thầu “bỏ chạy” - 1

"Tác phẩm" tốt nhất trong số 12 công trình vẫn chưa có cửa, trần, điện để nghiệm thu (ảnh: H.K).

Ông Trần Xuân Tương, Trưởng BQL dự án giảm nghèo thị trấn Quy Đạt cho biết: “Hiện mới chỉ có 4 công trình hoàn thành phần xây, còn cửa, điện, trần vẫn chưa lắp đặt. 4 công trình còn lại đều dang dở, mới chỉ đào móng, đổ trụ, lên tường, thậm chí công trình ở Tiểu khu 6 chỉ mới đào móng, ở Tiểu khu 1 còn chưa thi công do chưa có giấy phép”.

Theo BQL dự án, từ khi nhà thầu “bỏ của chạy lấy người”, BQL đã nhiều lần liên hệ bằng thư từ theo địa chỉ của nhà thầu ghi trong hợp đồng nhưng bưu điện trả về do không có người nhận. BQL cũng cử người vào Đồng Hới trực tiếp làm việc với công ty này nhưng chỉ nhận được những lời hứa hết lần này đến lần khác.

Theo tìm hiểu của Dân trí, Công ty Tuấn Hùng do ông Lê Việt Hùng làm giám đốc, có vốn điều lệ 5,9 tỷ, tài sản công ty theo báo cáo năm 2006 là 4,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 27 triệu đồng. Ngoài 8 công trình ở Thị trấn Quy Đạt, công ty này còn nhận thầu 4 công trình ở xã Hồng Hóa và đều “quất ngựa truy phong” sau khi nghiệm thu giai đoạn 1 nhận 85 triệu từ BQL dự án xã.

Qua điện thoại ngày 6/11, ông Cao Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã, Trưởng BQL dự án xã Hồng Hóa bức xúc: “Cách đây một tuần, sau khi chúng tôi tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra tòa nếu nhà thầu tiếp tục “trốn”, phía Tuấn Hùng mới cam kết sẽ trở lại thi công và hoàn thành trước 30/12/2008”.

Ông Hoan cũng cho biết, nếu lần này Tuấn Hùng không thực hiện lời hứa thì BQL dự án xã sẽ khởi kiện.

Công trình dở dang, nhà thầu “bỏ chạy” - 2

Nhà SHCĐ đang xây dở bị bỏ hoang, người dân xã
Hồng Hóa "tận dụng" làm nơi chứa củi.

Tương tự, sau 9 tháng “biệt vô âm tín” Tuấn Hùng đã hứa với BQL dự án thị trấn Quy Đạt sẽ quay lại thi công và hoàn tất các công trình muộn nhất trước 2/2009. Tuy nhiên, chẳng biết chữ “sẽ” trở thành hiện thực lúc nào vì ngày 6/11 - một tuần sau lời hứa “lần thứ n”, các công trình nhà SHCĐ vẫn không một bóng người.

Ông Tương cho biết: trước khi các công trình này được xây dựng, nhiều tiểu khu đã có nhà SHCĐ bằng gỗ được xây dựng từ trước nhưng phải tháo gỡ đi để lấy mặt bằng. Chính vì vậy, việc nhà thầu bỏ dở công trình không chỉ cản trở dự án, mà còn làm ảnh hưởng tới đời sống văn hóa của người dân.

Một vấn đề khác nảy sinh là năm 2007 mỗi công trình có giá trị 150 triệu đồng, nhưng đến nay khi Tuấn Hùng cam kết quay lại thi công tiếp thì con số này đã đội lên 220 triệu do giá vật liệu tăng.

Và chẳng hiểu vì lý do gì mà BQL dự án thị trấn Quy Đạt lại phải đứng ra “gánh” khoản chênh lệch này, vì rõ ràng phía không thực hiện đúng hợp đồng là Tuấn Hùng.

Ngoài thị trấn Quy Đạt và xã Hồng Hóa đang dở khóc dở cười với trò chơi “cút bắt” của nhà thầu, theo báo cáo của phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Minh Hóa, tính đến hết tháng 9/2008, 47 căn nhà SHCĐ trên toàn huyện đều đang dở dang hoặc mới giao mặt bằng, dù thời hạn hoàn thành trong hợp đồng đã quá trên dưới 1 năm.

Được biết, các nhà thầu đảm nhận thi công nhà SHCĐ trên địa bàn huyện này đều là những công ty xây dựng nhỏ, ít tiếng tăm và nhiều chủ đầu tư khi quyết định lựa chọn nhà thầu đều căn cứ vào hồ sơ năng lực chứ thậm chí không biết trụ sở các nhà thầu nằm ở đâu.

Đặc biệt, có nhà thầu được giao hàng chục công trình và hiện nay công trình nào cũng dang dở. Không hiểu việc thẩm định năng lực nhà thầu của các xã đến đâu, việc giao cho các xã làm chủ đầu tư đã cân nhắc hay chưa khi mà một trưởng BQL cấp xã, sau khi đã giao trọn gói các công trình trong xã cho một nhà thầu đã “bật mí” rằng: “mánh” của các nhà thầu là cứ thi công xong một công trình, quyết toán rồi lấy nguồn tiền này “đập” vào công trình tiếp theo!

Cứ như vậy, cộng đồng các dân tộc huyện Minh Hóa vẫn “dài cổ” chờ những căn nhà SHCĐ, còn các nhà thầu vẫn được tạo cơ hội để thực hiện “phương châm” làm chậm thì làm tiếp, bỏ đi rồi quay lại mà vẫn được bù giá như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

Hồng Kỹ - Vĩnh Quý